Người Mường ở Cẩm Thủy hiện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc như: Văn hóa cồng chiêng, hát ru, hát sắc bùa… Đây là tài sản văn hóa đặc biệt quý giá, góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc miền núi xứ Thanh.
Nhận thức sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội” và để những nét đẹp văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, huyện Cẩm Thủy đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường. Vì vậy, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các buổi sinh hoạt cộng đồng hay hội thi, hội diễn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường đều được sử dụng tạo nên không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Để những giá trị văn hóa của dân tộc Mường được bảo tồn và phát huy trong đời sống nhân dân, huyện đã có những việc làm cụ thể như: Chỉ đạo các xã tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống như: Dệt thổ cẩm, phục dựng các lễ hội truyền thống. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì tổ chức như: Nhảy sạp, ném còn, đánh cù, bắn nỏ, đẩy gậy… đã tạo sân chơi và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tạo cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới trong cưới hỏi, tang ma… Qua đó, khơi dậy, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của cha ông và thúc đẩy KT-XH của các địa phương phát triển.
Những kết quả đạt được trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường ở Cẩm Thủy, phải kể đến nét văn hóa cồng chiêng đang được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm như: Ở Cẩm Ngọc, Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Tâm, Cẩm Thành, Cẩm Quý… Các địa phương này đã thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và “giữ lửa” cho thế hệ trẻ.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” xã Cẩm Ngọc đã có những việc làm thiết thực để những giá trị văn hóa Mường được phát huy. Xã thường xuyên tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, các hoạt động thể thao thu hút một lượng lớn đồng bào đến tham gia, cổ động tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Bên cạnh đó, xã cũng thành lập được câu lạc bộ (CLB) văn hóa, nhạc cụ dân tộc Đồng Lão là một trong những CLB văn hóa cồng chiêng đầu tiên của người Mường, huyện Cẩm Thủy.
Những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn Cẩm Thủy thời gian qua là minh chứng cho hiệu quả của quá trình vận động, tuyên truyền để đồng bào Mường hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của cha ông không bị mai một theo thời gian. Qua đó, thúc đẩy KT-XH của huyện ngày càng phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi xứ Thanh.
Theo: vanhoadoisong.vn