
Tìm Hiểu Về Cồng Chiêng Người Mường
Biết đánh chiêng từ năm 12 tuổi, nay đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng người con đất Mường Nguyễn Văn Thực ở tổ 13, phường Thái Bình (TPHB) vẫn say mê chiêng. Giữa lòng thành phố, diện tích chật hẹp, ông Thực vẫn cố dựng cho mình ngôi nhà sàn và lăn lộn khắp trong, ngoài tỉnh để kiếm đủ bộ chiêng 12 chiếc. Vợ ông, bà Đinh Thị Thiện kể: ông bán cả trâu, lợn, gà dành dụm tiền đi đến tận Sơn La, Thanh Hóa để tìm mua chiêng. Mua được rồi, ông lại mê mẩn, lúc ăn, ngủ, vui chơi cùng con cháu đều có tiếng chiêng đồng hành. Niềm say mê đó đã thấm dần vào bà và con cháu trong dòng họ cũng như nhân dân trong tổ mà nòng cốt là đội văn nghệ dân gian do chính ông thành lập. Nhìn ông cầm chiếc chiêng cái rồi nhắm mắt dùng tay xoa vào núm, tiếng chiêng từ nhỏ rồi ngân to, vang xa mới thấy hết cảm xúc, tình cảm sâu lắng của người nghệ nhân. “Mỗi khi nghe thấy tiếng chiêng, đôi mắt tôi như sáng hơn, đôi chân mạnh hơn và tinh thần thoải mái hơn để sau đó bước vào một ngày mới lao động – sản xuất hiệu quả hơn” – ông Thực chia sẻ. Phải chăng vì vậy mà trông ông trẻ, khỏe hơn cái tuổi 80. Câu chuyện về ông Thực và nhiều người yêu chiêng khác đủ cho thấy sức sống của không gian văn hóa cồng chiêng Mường trong đời sống cộng đồng.

Cồng Chiêng Người Mường


“Không gian văn hóa cồng chiêng Mường hình thành, phát triển là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, quý giá trong nền VHNT Việt Nam. Nó có giá trị cao, nâng đỡ sự cộng cảm, bồi dưỡng tinh thần cộng đồng và lòng tự hào dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt đối với mảnh đất, con người Hòa Bình. Cồng chiêng là một biểu tượng của dân tộc, là huyết thống văn hóa, tài sản đồ sộ có thể coi là một kiệt tác văn hóa và hoàn toàn có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn của một di sản quan trọng” – Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) Bùi Tú Cao nhận định. Sở VH-TT&DL hiện đang tích cực lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, là cơ hội lớn không chỉ đối với dân tộc Mường mà của cả tỉnh Hòa Bình, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ khi cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
1 comment
[…] ở cả những cuộc vui lẫn khi có chuyện buồn để chia sẻ cùng họ. Vì vậy nghệ thuật cồng chiêng là loại hình âm nhạc quan trọng nhất của người […]