Home Văn HóaĐời sống Quan niệm sinh đẻ của người Mường

Quan niệm sinh đẻ của người Mường

by Thang
1 comment

Cũng giống như hầu hết các dân tộc phương Đông, dân tộc Mường cũng rất mến người. Vì vậy đối với người Mường, sinh con là một việc hết sức trọng đại. Vốn do từ xa xưa, người Mường sống ở những vùng núi non, đất rộng người thưa, ngày xưa núi rừng hoang vu lại có rất nhiều loài thú dữ vì vậy cần phải có nhân lực để làm ăn và tự vệ.

Quan niệm sinh đẻ của người Mường

Quan niệm về sinh đẻ và những kiêng kỵ có liên quan
Cũng giống như hầu hết các dân tộc phương Đông, dân tộc Mường cũng rất mến người. Vì vậy đối với người Mường, sinh con là một việc hết sức trọng đại. Vốn do từ xa xưa, người Mường sống ở những vùng núi non, đất rộng người thưa, ngày xưa núi rừng hoang vu lại có rất nhiều loài thú dữ vì vậy cần phải có nhân lực để làm ăn và tự vệ. Đối với họ, một gia đình đông con cháu, một dòng họ đông đúc là một niềm tự hào, một niềm mơ ước lớn. Đối với mỗi cặp vợ chồng, có con không chỉ là một ước muốn đơn thuần mà đó còn là bản năng duy trì nòi giống, là kết quả của tình yêu đã đến ngày đơm hoa, kết trái. Đối với người Mường, một đứa trẻ ra đời không chỉ là niềm vui của riêng một gia đình nào mà đó là niềm vui của cả cộng đồng. Vì vậy người con gái khi đã đi lấy chồng cũng như gia đình nội ngoại hai bên, đối với họ việc cô dâu mới có tin mừng là việc quan trọng nhất sau ngày cưới và đối với cả cuộc đời của người phụ nữ. Người phụ nữ Mường rất coi trọng viếc sinh con, nhất là con đầu lòng. Người Mường cho rằng khi sinh con thì vai trò làm cha, làm mẹ chính thức được xác lập, người đàn ông và người phụ nữ đó chính thức trưởng thành. Hơn nữa “trẻ cậy cha, già cậy con” vì vậy có con còn là có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Chính vì vậy mà người Mường có rất nhiều những sự kiêng kỵ trong quá trình người phụ nữ mang thai và sinh đẻ.
Theo tục lệ của người Mường, khi người phụ nữ mang thai họ vẫn đi làm bình thường nhưng tránh làm các công việc nặng nhọc và không được với tay quá cao. Người thai phụ phải giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, vui vẻ, tránh việc nóng giận hoặc các cảnh tượng hãi hùng, tang thương nếu không sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi và tới đứa trẻ sau này.
Khi người phụ nữ mang thai họ phải tránh các loại quả sinh đôi không được ăn để đứa trẻ sinh ra không bị kết dính có nghĩa là sinh đôi, tránh ăn thịt các con vật đã chết vì sợ khi sinh sản phụ sẽ bị thiếu máu và băng huyết, không ăn các loại ốc, hến, trai, sò vì sợ đứa trẻ sinh ra nhiều dãi dớt. Người thai phụ không được uống nước đựng trong ống bương mà bị chặt vát đầu vì sợ đứa trẻ sinh ra bị sứt môi.
Bên cạnh những sự kiêng kỵ trong ăn uống thì thai phụ cần phải tránh: Thấy rắn không được đánh nếu không lưỡi đứa trẻ sẽ bị thè ra. Tránh dẫm chân lên vỏ cây làm quan tài vì dễ bị sẩy thai, khi đi qua ngĩa địa hay cửa đình phải dắt lá cây vào người để trừ tà. Đặc biệt phải tránh các đăm tang và cả đám cưới vì đi đến đám tang có thể ảnh hưởng xấu tới hai mẹ còn, còn đến đám cưới sẽ ảnh hưởng xấu tới đôi vợ chồng trẻ và gia đình họ… Vào mùa cấy, người phụ nữ có thai không được xuống cấy trước vì sợ thai nghén. Để việc sinh đẻ được dễ dàng thì vào mỗi buổi sáng sớm người thai phụ phải là người dậy sớm nhất vầ đi mở tất cả các cửa lớn, nhỏ trong nhà.
Theo quan niệm của người Mường, thân thể người phụ nữ có thai không được sạch sẽ vì vậy họ phải tránh tham gia vào các lễ hội của xóm làng cũng như tất cả các nghi lễ tôn giáo khác. Vì nếu họ tham gia thì thánh thần sẽ không hài lòng, không phù hộ thậm chí còn có thể mang tới tai họa cho cả làng.
Khi người vợ mang thai thì người chồng của cô ta cũng phải có một số điều kiêng kỵ nhất định. Khi trong làng có đám tang người chồng được tham gia nhưng không được tham gia vào việc khiêng quan tài, không được lợp mái nhà vì sợ gây rủi do cho thai nhi và người mẹ sẽ khó sinh khi lâm bồn. Đồng thời gia đình nhà có thai phụ cũng không được làm nhà hay sửa nhà.
Người Mường quan niệm, đã là con gái đi lấy chồng thì phải sinh ở nhà chồng. Các cô gái khi đã xuất giá mà tới thời kỳ sinh đẻ thì tốt nhất là không nên về nhà bố mẹ đẻ, nếu lỡ về thăm mà trở dạ thì phải đẻ ở dưới sàn nhà. Vì theo quan niệm của họ “con gái là con người ta”, vì vậy cháu ngoại đã mang dòng máu khác, “khác máu tanh lòng” nên nếu để máu rơi trong nhà sẽ mang lại rủi ro cho gia đình. Đối với những người phụ nữ chửa hoang thì tục lệ càng khắt khe hơn nữa. Đến kỳ sinh nở người ta bắt người phụ nữ đó phải ra đẻ ngoài vườn không được vào trong nhà hoặc làm lán ngoài vườn cho đẻ và ở luôn ngoài đó tới hết thời gian ở cữ mới được vào nhà. Người phụ nữ có chửa trước khi cưới cũng bị phạt như vậy.
Đối với người Mường ở đây việc người phụ nữ lâm bồn là một công việc hết sức khó khăn và nguy hiểm, vì vậy lúc trở dạ, sản phụ được đặt trong tình trạng “báo động”. Lúc này tất cả các thành viên trong gia đình đều tạm ngừng công việc của họ lại và mỗi người một tay, chuẩn bị cho việc người sản phụ sinh em bé. Nếu việc sinh nở thuận lợi thì không sao còn nếu không sản phụ được cho uống nước lá mồng tơi hoặc lá rau ngót.. là các loại lá có tính mát, trơn đẻ dễ đẻ. Người ta cũng có thể mời thầy mo hoặc sử dụng các phương thuật để việc sinh đẻ được diễn ra một cách suôn sẻ. sau khi sinh con sản phụ được đưa đến nằm cạnh bếp lửa để có thể nhanh chóng bình phục sức khỏe, lửa ấm sẽ làm mạch máu được lưu thông và da dẻ hồng hào. Nếu là sinh con so thì phải nằm cạnh bếp lửa một tháng, các con khác thì từ 15 tới 20 ngày. Tuy nhiên ngày nay người ta không làm buồng cho sản phụ cạnh bếp nữa, thay vào đó người ta đặt một thau than nóng ngay bên giường của người sản phụ để giữ ấm.
Người phụ nữ sau khi sinh nở không được ngồi bệt suống sàn mà phải ngồi ghế, một loại ghế mây được đan hình tròn và cao khoảng 30cm trở lên. Khi sinh con người phụ nữ Mường phải ăn kiêng hết sức kham khổ. Thức ăn chính của họ trong suốt thời gian này là lá vông (một loại lá cây rừng) đem về giã nát rồi chộn với muối, gói lại sau đó đem nướng trên bếp than cho tới khi cháy thành than, hàng ngày dùng thứ này ăn với cơm. Thịt gà mái tơ được mổ và làm sạch, lọc lấy thịt hoặc lọc qua nước tro sau đó cho vào một cái nồi, đổ vào một chén rượu sau đó rang cho thật khô lên, ăn với cơm. Cơm cho sản phụ ăn cũng phải nấu riêng vào một cái nồi đất và chỉ được bới cơm ở giữa nồi. Trong vòng một tháng ở cữ, sản phụ chỉ được ăn các loại thức ăn trên. Sau đó có thể ăn uống bình thường nhưng tránh các loại thịt sau: Kiêng thịt trâu trong một năm, thịt chó trong vòng sáu tháng, kiêng ăn lạc (đậu phộng), quả cọ…
Đối với nước uống của sản phụ cũng phải theo một thực đơn riêng. Ngày đầu tiên sau khi sinh sản phụ phải uống hai nồi nước thuốc (cây huyết dụ), để tiêu huyết. Vào những ngày sau đó phải uống các loại nước thuốc từ các loại lá lấy từ trên rừng vào trước và sau mỗi bữa ăn. Ngoài ra sản phụ còn uống mỗi ngày một ly rượu cẩm (trong có ngâm một quả trứng gà) đã được hạ thổ ít nhất là ba tháng, trước khi uống rượu đã được trưng cách thủy.
Sản phụ mới đẻ phải kiêng nước, kiêng gió. Sau bảy ngày xông bằng lá thuốc (lá phai rừng, lá de hơi, lá de tầng, lá mấu sông, lá mấu chín, lá ven, lá huyết dụ, lá bưởi, lá ngải…). Các loại lá trên sau khi lấy về được rửa sạch, đun cho sôi thì múc một bát nước để uống sau đó thì xông, xông chỉ được tắm thân không được tắm đầu. Sau đó lại được đốt than một lần nữa cho ra hết mồ hôi rồi mới mặc quần áo. Khi sinh được 15 ngày thì tắm như trên một lần nữa và được gội đầu, một tháng thì được tắm một lần nữa và được ra khỏi nhà mình và tới nhà khác chơi được.
Khi ở cử, người phụ nữ phải kiêng trả lời các câu hỏi của người ngoài để giữ vía cho con. Sau khi đẻ ra, người Mường đốt đèn đêm trong vòng ba tháng để cho đứa trẻ được thông minh, sáng dạ nhưng không được để đèn trên đầu giường vì trẻ nhìn sẽ bị hiếng (lé mắt).
Khi trong nhà có người sinh nở người Mường có tục cắm cữ. Đây là dấu hiệu báo cho dân làng biết, nhất là người lạ biết rằng trong nhà này có người mới sinh em bé thì không được vào. Người ta lấy chín nắm rơm nếu là con gái và bảy nắm nếu là con trai kết thành một chiếc “đòn nọt” và đem cắm ở trước cổng nhà với nguyên tắc “trai bên trái gái bên phải” và nếu là con trai thì mỏ của “đòn nọt” quay vào trong, nếu là con gái thì mỏ của “đòn nọt” quay ra ngoài. Tới hết thời gian ở cữ (trai bảy ngày, gái chín ngày) thì tháo xuống.

Những nghi lễ trong và sau khi sinh
Đối với người Mường ở Mỹ Lương ta không thấy các nghi lễ được diễn ra trong quá trình người mẹ mang thai và trước khi sinh. Trong thời gian này người thai phụ chỉ phải chú ý đến các điều kiêng khem và ăn uống đầy đủ để giữ gìn sức khỏe cho thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên tới khi sinh con thì người Mường có khá nhiều các nghi lễ được diễn ra với các mục đích khác nhau.
Khi sinh con, sản phụ được để ngồi, tay bám vào một sợi dây buộc từ trên quá giang nhà thòng xuống do người chồng chuẩn bị từ trước. Mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu, cũng có thể là mẹ đẻ hoặc bà đỡ làm công việc này.
Lễ cắt rốn
Đối với người Mường, khi một đứa trẻ ra đời việc cắt rốn và chôn nhau cho nó là một việc làm rất có ý nghĩa. Vì đây là những thứ có liên quan tới số phận của đứa trẻ trong suốt cuộc đời. Vì vậy họ phải theo những tục lệ mà ông cha truyền lại, ngày nay khi mà người ta đi đẻ ở bệnh viện hay trạm xá thì họ vẫn mang nhau thai của đứa trẻ về và làm theo cách cổ truyền.
Sau khi đứa bé ra đời, người ta dùng một thanh nứa làm dao để cắt rốn, thanh nứa được lấy từ đầu chiếc dui trên mái nhà. Nếu đẻ con trai thì dao nứa được lấy từ mái nhà đằng trước, con gái thì được lấy ở mái nhà đằng sau (có sự khác biệt này là do trong quan niệm của người Mường, cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, gian đằng trước chỉ dành riêng cho nam giới trong nhà còn gian đằng sau mới là nơi dành cho phụ nữ). Khi cắt rốn xong thanh nứa này lại được dắt lên mái nhà. Nhau thai được bỏ vào một ống bương đậy thật kín và giao cho người chồng hoặc mẹ chồng mang treo lên một cành cây cổ thụ trong rừng, ở một nơi vắng vẻ không có người qua lại, tránh không cho người lạ nhìn thấy. Khi cuống rốn rụng, người ta đem gài lên mái gianh ngay chỗ cầu thang lên xuống. Tất cả những hành động trên là nhắm giữ vía cho đứa trẻ trên được khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn, tránh các điều dữ.
Đứa bé sau khi sinh không được đưa cho mẹ nó ngay mà sẽ được tắm rữa sạch sẽ. Sau đó được đặt vào trong một cái nia, trong nia lót một tàu lá chuối đã hơ qua lửa mà người Mường ở đây gọi là “Rùng cóong”. Nếu đứa trẻ là gái người ta lấy một cái hông đồ xôi bằng gỗ đặt bên cạnh cái nia vừa gõ vào cái hông đồ xôi và nói “hỡi con gái dậy mà kéo tơ, chăn tằm, dệt vải”. Nếu là con trai người ta lấy chiếc chài đánh cá cũ đặt cạnh cái nia rồi đập xuống sàn nhà nói “hỡi con trai dậy mà đi kéo chài kiếm cá”. Gọi và đập như thế vài ba lần cho tời khi đứa trẻ khóc thật to họ mới bế nó dậy, mặc áo quấn tã và trao cho bà mẹ cho nó bú.Lễ thả ổ (ra cữ)
Cữ là một thời gian định lượng là bày ngày (đối với con trai) hoặc chín ngày (đối với con gái). Lễ thả ổ thường được tổ chức trước một ngày tức là ngày thứ sáu đối với con trai và thứ tám đối với con gái. Khi đứa bé ra đời đủ thời gian nói trên người ta gọi là đầy cữ và sẽ tổ chức lễ thả ổ. Lễ ra cữ hay còn gọi là thả ổ này thật ra là một nghi lễ nhằm tạ ơn vua bếp và tạ ơn các bà mụ.
Lễ vật gồm có: một con lợn nhỏ (khoảng 25 kg) để cúng vua bếp và bảy hoặc chín bát nước thuốc để cúng các bà mụ, ngoài ra ở Mỹ Lương người ta còn có các lễ vật khác như bánh tò te, cơm lam, thịt, cơm tẻ cũng đều làm thành bảy hoặc chín phần tùy thuộc vào việc đứa trẻ là con trai hay con gái. Trong lễ này, gia đình mời thầy mo hoặc thầy đồng về nhà làm lễ. Thay mặt cho đứa trẻ và gia đình, ông thầy mo sẽ gọi vía, vua bếp và các bà mụ về chứng kiến lòng thành của gia đình và cầu cho đứa trẻ ăn ngoan chóng lớn, tránh được các điều xấu xa, tránh bị ma qủy quấy phá và cảm ơn các bà mụ đã có công “nặn” nên bé, cảm ơn vua bếp trong thời gian qua. Sau khi lễ cúng diễn ra, bà mẹ sẽ ăn mỗi thứ một ít, sẽ uống mỗi bát thuốc một ngụm để cầu cho con mạnh khỏe, chóng lớn, ngoan ngoãn. Trong lễ này còn có một thứ rất quan trọng đó là một sợi chỉ đỏ, ông thầy mo sẽ yểm bùa chú lên đó rồi buộc vào tay đứa trẻ, con trai thì bảy vòng con gái thì chín vòng.
Cũng trong ngày hôm đó gia đình đứa trẻ sẽ mổ một con gà mái tơ, luộc chín rồi dùng tay xé thịt, sau đó cho vào xoong, kho với gừng và nghệ để vào trong ống nứa cho sản phụ ăn dần.Lễ “thay ma cữ”
Thay ma cữ là một lễ rất độc đáo của người Mường mà chúng ta không thấy ở một dân tộc nào khác có nghi lễ tương tự, nghi lễ này được tổ chức sau lễ thả ổ một ngày. Lễ này được tổ chức với ý nghĩa cho đứa bé ra mắt họ hàng, xóm Mường cũng có các vị thần linh để cho đứa trẻ chính thức nhập vào thế giới trần gian.
Từ khi đứa bé ra đời, người nhà đã chuẩn bị cho nghi lễ này. Người ta lập một bàn thờ riêng để tạ ơn các bà mụ. Trên bàn thờ ngoài hoa quả, bánh ốc (một thứ bánh được gói bằng bột nếp và lá bông chít), bánh trôi nước, chín hoặc bảy quả trứng gà, quần áo, giày dép bằng vàng mã để sau khi cúng thì đốt vía gửi theo ma cữ và một khung bếp (hình vuông, mỗi cạnh dài từ 1 đến 1,5m. Bên trong khung bếp đặt ván sàn và trên đó đổ đầy đất để bắc kiềng đun bếp).
Nếu trong lễ thả ổ vai trò của thầy cúng rất quan trọng bên cạnh gia đình đứa trẻ thì đối với nghi lễ này vai trò của những người được mời tham dự là không thể thiếu. Sau khi đã hưởng lộc xong thì người mẹ bế đứa trẻ đi ra gian ngoài. Ở đây người ta bố trí sẵn một người phụ nữ nết na có đủ con trai, con gái đón đứa bé từ tay mẹ để cầu lộc cho nó. Trong khi đó bố đứa bé tự tay tháo bếp cữ chuyển ra ngoài rử sạch sau đó đem cất vào một nơi kín đáo. Sau đó đứa bé được chuyển sang tay một cô bé mạnh khỏe, ngoan ngoãn, thông minh, là anh em trong họ dưới sự quan tâm của tất cả những người có mặt.
Tục lệ thay ma cữ là một trong những nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Mường. Vì vậy sự tham dự của các thành viên trong cộng đồng, gia tộc nhất là của các em bé 12 đến 13 tuổi (lớn hơn đứa bé một giáp) là cực kì quan trọng. Các em lớn tuổi đó có sứ mạng là dìu dắt em bé vào đời một cách mạnh khỏe và thành đạt. Đồng thời với nghi lễ này tất cả các vị thần linh đều được chứng giám và phù hộ cho em bé nên người.

Lễ đầy tháng và đặt tên cho trẻ
`Lễ đầy tháng hay còn gọi là lễ “ăn mừng thôn”. Lễ này cũng gần giống như lễ ra cữ và để mừng bé đã vượt qua một giai đoạn nữa của sự trưởng thành. Trong lễ cúng đầy tháng cho trẻ, người ta cũng cúng các bà mụ, thổ công và cúng gia tiên.
Lễ vật cho cúng đầy tháng gồm: Một con lợn, một con gà trống, một bình rượu cần do gia đình tự làm. Khi khách mời đã tới đông đủ, người ta bắt đầu làm lễ cúng, em bé được tổ chức đầy tháng là trung tâm cảu buổi lễ. Mẹ của em bế em ra trước bàn thờ tổ tiên, sau đó người ta sẽ tổ chức dâng hương lên tổ tiên cũng như các bà mụ. Trong lễ này người ta cũng cúng cả thổ công của gia đình vốn được lập một bàn thờ riêng ở ngoài trời. Người chủ lễ khấn mời các vị về hưởng lộc và phù hộ cho cháu bé, tránh các thứ tà ma quỷ quái để cháu được khỏe mạnh và ngoan ngoãn.
Qua lễ đầy tháng này chúng ta được biết thêm những phong tục đẹp của người Mường đó là khi những người được mời đến dự buổi lễ sẽ đem những thứ quà tặng đến để mừng cho cháu bé và gia đình. Quà tặng thường không phải là những gì quá xa xỉ, tốn kém mà là những thứ tự làm ra: Vải do gia đình tự dệt ra để may quần áo cho bé, gà, gạo nếp để cho mẹ bé tẩm bổ. Đối với những người hiếm muộn hoặc khó khăn về đường con cái thì những người thân thích trong gia đình sẽ đem tặng cho bé một chiếc vuốt hổ, tự tay đeo nó vào cổ cháu bé để trừ tà và giữ vía cho bé. Khi cho quà, người ta sẽ lại chỗ bé nằm, buộc một sợi chỉ màu đỏ vào tay bé và đọc lời chúc như sau.
Đối với bé gái:

“Án con cái cả cho chóng
Án ti cách tắc, bễ mùm, bễ cúi
Án ti là pò ông, là phải
Với chí dạ ụn bảy” Có nghĩa là

(được con gái lớn cho nhanh
Để đi hái rau, lấy măng, lấy củi
Biết làm bông dệt vải
Với mẹ con nhé) Đối với bé trai:

“Cá cho chóng
Án ti câu cá, tánh chim
Cho pộ, cho chí ăn”
(hay ăn chóng lớn
Được đi câu cá, bắt chim
Cho ông bà, bố mẹ con nhé) Trong buổi lễ này ông bà nội, ngoại hai bên sẽ tặng vòng bạc cho cháu. Nhà nào giàu có thì có thể tặng cho cháu vòng bằng vàng.
Đối với người Mường ngày lễ đầy tháng cũng chính là ngày lễ đặt tên cho trẻ. Theo phong tục thì ông bà nội sẽ là người đặt tên cho trẻ.
Trong lễ đặt tên, ngoài các lễ mặn là: Xôi, gà, thịt lợn thì có các vật dụng thường ngày như: Một cái gương, lược, một con dao để tránh bệnh tật; một bát nước để tránh bị ngã nước; một chén nước trà để tránh bị ngộ độc. Sau khi đã chọn được một cái tên phù hợp cho trẻ (họ đặt tên cháu tránh việc cùng tên với những người anh em thân thích thuộc họ hàng hai bên nội ngoại). Bố đứa trẻ hoặc ông nội đứa trẻ sẽ dâng hương để báo với tổ tiên, thánh thần rằng đứa trẻ đã có tên chính thức và từ đó gia đình sẽ gọi tên đứa trẻ theo tên này, (trước đó họ gọi đứa bé đó theo tên mụ như con trai thì gọi là thằng cu, con gái thì gọi là cái cún, cái đĩ, cái đẹn… tên mụ cho trẻ con thường là những cái tên xấu xí để cho ma quỷ không nhòm ngó và quấy phá). Cũng từ đó nếu đứa trẻ là con đầu lòng thì cha mẹ nó sẽ được gọi theo tên của nó. Ví dụ: nếu đứa bé tên là Hùng thì người ta sẽ gọi bố của nó là bố Hùng và mẹ của nó là mẹ Hùng.

You may also like

1 comment

Đôi nét về dân tộc Mường | Dân Tộc Mường 10 Tháng 5, 2018 - 10:52 sáng

[…] Quan niệm sinh đẻ của người Mường […]

Reply

Leave a Comment