Cô giáo Đinh Lâm Oanh xứ Mường, dạy môn lịch sử bậc phổ thông ở thành phố tỉnh lỵ Hoà Bình. Cô nổi tiếng là người phụ nữ có vẻ đẹp quyền quý “con nhà lang”, từng đoạt giải giáo viên thanh lịch, duyên dáng, dạy giỏi của tỉnh. Nếu được hỏi, cô thần tượng ai nhất, chắc chắn cô sẽ trả lời: “Cha tôi, cụ Đinh Công Đốc”.

Vẻ ngang tàng, quật cường trên gương mặt con nhà lang của một nhân sỹ yêu nước – một “dũng tướng” người Mường – ông Đinh Công Đốc.
Ông Đốc say mê xứ Mường và Tây Bắc đến mức, năm Đinh Lâm Oanh 17 tuổi, ông đã đưa con gái đi bộ 2 tháng ròng, đến hầu khắp những bản làng ở Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá, những nơi ông đã có nhiều “võ công văn trị” và trở thành người ruột thịt của bà con dân tộc.
“Sợ cuộc đời mờ đi trong trướng gấm phồn hoa!”
Ông Đốc được cha là quan Phó lang Đinh Công Phủ cho học ở Trường Bưởi, Hà Nội từ nhỏ. Lớn lên trong cái thời “Ba mươi – bốn lăm” (1930-1945) hừng hực không khí cách mạng, ông Đốc sớm mang cái tráng chí đượm màu anh hùng ca “Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời” giương cao ngọn cờ kháng Việt gian, kháng Pháp. Thống lĩnh binh mã khắp cả chiến khu rộng lớn dọc sông Đà, ông cùng cán bộ Việt Minh đi giải giáp vũ khí quân đội Nhật khắp nhiều huyện của tỉnh Hoà Bình, lên mãi Sơn La, sang Thanh Hoá, tiến đến tận vùng giáp biên giới Việt Lào.
Nhiều “chiến binh” người Nhật quy phục tài năng, đức độ của Đinh Công Đốc đã dẫn “hàng binh” lại, cắt máu ăn thề nguyện suốt đời làm anh em kết nghĩa với ông. Có viên sĩ quan người Nhật tên thường gọi là I Si, còn cải thành họ Đinh của người Mường, lấy tên Đinh Công Minh, nguyện làm người em “cắt máu ăn thề” của Đinh Công Đốc. Ông I Si chính là người đã cưỡi ngựa trắng, xông lên, dầm nát thân mình trong cơn bão đạn để cứu sống người anh Đinh Công Đốc trong một trận tử chiến bên bờ sông Đà.
… Tôi lần giở từng trang “hồi ký”, tư liệu, những tấm ảnh cũ nát do ông Đinh Công Đốc để lại mà lòng không thôi thổn thức về một nhân cách người Mường khả kính. Trong cuốn sổ công tác sờn cũ, mà suốt đời chiến chinh, công tác, ông Đốc luôn mang theo bên mình, ở ngay trang đầu là tấm ảnh Hồ Chí Minh được cắt từ tờ công báo và lời đề viết tay nắn nót của ông: “Hồ Chí Minh sống mãi”; lật trang thứ hai là tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, với dòng chữ nắn nót y như thế: “Võ Đại tướng muôn năm”.
Sinh năm 1925, là con một quan lang nổi tiếng cai trị vùng đất rộng lớn (khu vực huyện Đà Bắc, Hoà Bình hiện nay), Đinh Công Đốc là cậu ấm sống trong nhung lụa theo đúng nghĩa đen. Cha Đinh Công Đốc là Đinh Công Phủ, cực chẳng đã làm Phó lang, dưới quyền giặc Pháp và bè lũ tay sai. Được sự giác ngộ của Phan Lang – đặc phái viên Tổng bộ Việt Minh, ông Phủ đã vận động đồng bào Mường ủng hộ kháng chiến.
Sau tổng khởi nghĩa, ông Phủ được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính (nay là UBND) Hoà Bình (từ tháng 9.1945 đến tháng 6.1946), đã từng được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Thư Bác Hồ viết vào ngày 1.7.1947, gửi ông Đinh Công Phủ, với lời khen ngợi khẩu hiệu oanh liệt: “Họ Đinh thề không đội trời chung với giặc Pháp”.
Bác còn gửi biếu Đinh Công Phủ cả chiếc áo trấn thủ được may bằng một lá cờ thần (với ngụ ý: Ai mặc chiếc áo đó thì được coi như một vị thần) do bà con vùng Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (cũ) kỳ công may để tặng Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gửi thư khen ông Đinh Công Phủ và thân sĩ ở Mai Đà vào 6.6.1947.
Đinh Công Đốc là con trai cả của ông Đinh Công Phủ. Tận mắt thấy sự bóc lột, sự sa đoạ của thực dân Pháp và tay sai, Đinh Công Đốc đã sớm coi việc chúng mời mình ra làm quan khi mới 17 tuổi là một việc “đầu độc bằng bả vinh hoa”, chàng đã khước từ điều đó vì “sợ cuộc đời sẽ mờ đi trong trướng gấm phồn hoa” (lời lẽ trong hồi ký Đinh Công Đốc).
Năm 18 tuổi, cậu Đốc đã bàn với cha cho mình đi học nghề rồi xin giấy phép của Pháp để mở mỏ khai khoáng tại huyện Mộc Châu và huyện Phù Yên, của tỉnh Sơn La; nhưng thật ra đây chỉ là ngụy trang cho hành động tập trung binh lực đánh Pháp. Hai năm sau, ông Đốc đã lập được đội võ trang có hàng trăm tay súng dọc chiến khu Sông Đà.
Tác phẩm “Địa chí tỉnh Hoà Bình” (NXB Chính trị quốc gia, năm 2005) và tài liệu sưu tầm của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hoà Bình đều cho biết: Ông Đốc đã từng giữ các vị trí quan trọng: Đội trưởng Chiến khu Mường Diềm, Uỷ viên quân sự trong Uỷ ban Cách mạng Lâm thời tỉnh Hoà Bình, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 97, Trung đoàn 148; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Độc Lập 930, Phó Giám đốc Trường Quân chính Tây Bắc… Ông đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.
Được giác ngộ, Quan phó lang Đinh Công Phủ đã ủng hộ cách mạng nhiều súng ống và tổ chức quân lính của mình thành một trung đội tự vệ chiến đấu do con trai mình là Đinh Công Đốc trực tiếp chỉ huy. Mường Diềm sớm thành lập được Uỷ ban Giải phóng lâm thời. Sau khi giành chính quyền ở Châu Mai Đà, lực lượng vũ trang của khu căn cứ Diềm đã quả cảm tiến lên giải phóng Suối Rút, Mai Châu, Mộc Châu…
Sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, bọn phản động của “Đại Việt duy dân” âm mưu lật đổ chính quyền còn non trẻ. Năm 1946, bọn chúng hoạt động mạnh ở vùng Mường Diềm. Lực lượng vũ trang của ta ở Hoà Bình, kết hợp với đội quân của Đinh Công Đốc làm nội ứng đã tấn công vào sào huyệt, tiêu diệt đại bộ phận đầu sỏ và lực lượng vũ trang của “Đại Việt duy dân” ở Suối Rút. Tên đảng trưởng Lý Đông A đã bị chính Đinh Công Đốc bắn chết.
Giải cứu 20 mỹ nữ bị cướp làm tỳ thiếp
Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 phát ra, việc dẫn đoàn hùng bi giải phóng quê hương, trong ký ức của ông Đốc thật sinh động: “Được nhân dân tố giác, rằng bọn đầu sỏ giàu có ở Suối Rút có một kho hàng hoá, một kho thuốc phiện, tôi cho kiểm tra và niêm phong. Hàng hoá vải vóc, thuốc men một nhà, một kho thuốc phiện đã phân và cô đặc để xuất biên đựng trong 90 cái thùng, tổng số 1.800kg thuốc phiện đã thành khí. Nghe kể lại thì họ đã chuyển đi rất nhiều”.
Cảnh cánh quân của Đinh Công Đốc được tin cầu cứu của bà con huyện Mai Châu, họ oai dũng từ ổ phục kích, xông ra như Lục Vân Tiên, bắt “đám giặc cỏ” run lẩy bẩy quy hàng thật nghĩa hiệp, thật đáng ngỡ ngàng: “Chiều hôm 24.8.1945,… chợt nhân dân có thư ra cầu cứu quân giải phóng vào Mai Châu.
Sau khi bàn bạc, nhận định cần phải vào, tên phản động Hà Công Thắng bị giặc Pháp mua chuộc, cát cứ ở vùng thượng du sông Mã, tịch thu trâu bò, ngựa nghẽo, của cải, bắt cả các cô gái từ Hoà Bình về phía Thanh Hoá làm tỳ thiếp. Chúng tôi phải đi bộ vào Mai Châu, hồi ấy đường số QL 6 bị hỏng xe không thể đi được.
Vào đến Phố Vãng đã 9 giờ đêm. Nhân dân Mai Châu, các kỳ hào, kỳ mục, chánh tổng, lý trưởng trong các xã đã có mặt đông đảo. Bởi họ đang chờ “viện binh” để thoát khỏi vòng đe doạ của tên Hà Công Thắng”.
Đến Vạn Mai trời vừa tảng sáng, đoàn binh của Đinh Công Đốc bố trí phục kích chờ “giặc” từ phía Co Me xuống. Độ 8h sáng thì thấy một đoàn gồng gánh, ngựa thồ, và cả một số phụ nữ hơn 20 người tuổi 18 – 20 xinh đẹp. Bọn phản động ức hiếp dân lành nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của đoàn quân do Đinh Công đốc chỉ huy mà ngơ ngác.
Tên đội trưởng đến trước mặt Đinh Công Đốc, run lẩy bẩy, nói: “Tôi bị ông Hà Công Thắng sai áp tải những của cải, đồ vật, các cô gái này về. Chứ Việt Minh hay là cái gì mà ông đang nói, thật lòng, tôi không hiểu gì cả”. Hỏi ra, thì tên cáo già Hà Công Thắng đã đi theo đường sông Lồ về Hồi Xuân hôm qua rồi. Bao nhiêu của nả, các cô gái xinh đẹp đều được các chiến binh đem trả lại cho nhân dân, nhà ai người nấy về.
Ông Đốc còn cùng đoàn quân lên giải phóng Mộc Châu, dùng uy vũ nức tiếng của mình để cứu người bạn của cha mình, quan tri châu theo cách mạng Sa Văn Minh khỏi cái thế uy hiếp ngàn cân treo sợi tóc. Để giành được phần thắng, ông Đốc đã đọc rất kỹ Binh pháp Tôn Tử trước khi xung trận như ông tiết lộ trong hồi ký.
“Sáng hôm sau, chúng tôi đi vào Xuân Nha, đất Mộc Châu. Trong lúc cùng nhân dân ăn cơm đoàn kết thì thấy hai người cưỡi ngựa tới. Đó là người tâm phúc của bác Sa Văn Minh. Họ đưa thư khẩn cấp: Tên phản động Lường Văn Phúc, sai hai đứa con trai đem quân đủ võ khí lên bao vây, định sát hại bác Sa Văn Minh và cướp châu lỵ Mộc Châu từ tay quân cách mạng. Cảnh tình như vậy, nếu đi bằng chân cắt ngang các cánh rừng rậm, thì ít nhất phải tối hôm sau mới tới được Mộc Châu, “nước xa không cứu được lửa gần”. Thế nên, tôi nói với ông phìa (sắc dịch ở địa phương) Xuân Nha là: Phải tập trung toàn bộ số ngựa có trong xã lại để chúng tôi mượn, thần tốc phi thẳng lên Mộc Châu, may ra mới kịp.
Với 45 con ngựa thuần, đóng yên cương, chúng tôi nhanh chóng biến thành đội kỵ binh, chẳng kém gì đội kỵ binh của đế quốc Nguyên Mông năm xưa. Bác Sa Văn Minh ra tận nơi đón, như đón cứu tinh. Bọn “phiến loạn” nghe nói Đinh Công Đốc đến đã ngoan ngoãn quy hàng”.
* * *
Quả là, những gì đã được nghe, đã đọc và đã viết về nhiều vị quan lang, dòng dõi quan lang xứ Mường đã khiến người viết loạt bài này cảm thấy hơi bất ngờ. Đâu đó, ở các thời điểm nào đó, chúng ta vẫn ít nhiều mặc cảm, dằn hắt với những ám ảnh về sự tàn ác, độc địa của “nhà lang” trong thời buổi nhiễu nhương ngày cũ. Có lẽ vì thế và vì một vài lý do nữa, mà những câu chuyện kể trên vẫn còn quá ít người biết đến chăng?
Nếu đúng như vậy, thì dường như chúng ta đã có lỗi với lịch sử, với những nhân cách Mường sáng trong, vạm vỡ, tài hoa như Đinh Công Huy, Đinh Công Niết, Đinh Công Đốc, đặc biệt là với chiến binh I Si quả cảm. Mộ của ông giờ nằm sâu trong hàng tỉ mét khối nước của lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình…

Vì có những đóng góp lớn trong Chiến dịch giải phóng Hoà Bình, năm 1952, dòng họ Đinh Công ở Mường Động (dòng họ của Đinh Công Huy và Đinh Công Niết…) đã được Uỷ ban Liên Việt tỉnh Hoà Bình tặng một bức ảnh chân dung Bác Hồ. Hiện gia đình đang treo ở nơi trang trọng nhất.
Vài dòng về số phận các quan lang xứ Mường trước Cách mạng Tháng Tám
(Trích di bút – một cách nhìn – của ông Đinh Công Niết, chuyên viên hưu trí, ủy ban dân tộc Trung ương, người Mường duy nhất mang tên một Tiểu đoàn và đồng thời là tiểu đoàn trưởng văn võ toàn tài chính cái tiểu đoàn Đinh Công Niết đó)
Ông Niết viết:
Ba dân tộc Mường, Thái, Thổ đứng đầu từng vùng đều có các lang đạo cai quản cha truyền con nối. Về đất đai cư trú đều phải lệ thuộc vào các nhà lang đạo, tổng lý từng nơi.
Âm mưu của Đế quốc Pháp với các vùng dân tộc rất thâm độc: sau khi bình định xong vùng xuôi, chúng đem quân lên miền núi đánh giết các lang đạo chống đối chúng. Năm 1886, chúng thành lập tỉnh Mường (Province Mường) ở Chợ Bờ, chúng đưa tên Đinh Văn Vinh ở vùng Ba Vì (Sơn Tây) lên làm Tuần phủ (như là Tỉnh trưởng) để trị một số lang đạo chống đối còn lẩn trốn trên núi. Quyền lợi của lang đạo địa phương bị lung lay, nhân thời gian này có ông Đốc Ngữ (Nguyễn Văn Ngữ) ở vùng xuôi lên tuyên truyền kêu gọi chống giặc Pháp cướp nước. Một số nhà lang như Lãnh Vang (Quách Cưu) ở xã Trung Hoàng (nay là xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), Đinh Công Ước (lang Mường Tút, nay là làng Thịnh Lang, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) nổi lên theo ông Đốc Ngữ, đánh phá tỉnh Bờ, giết tên Ru dơ ri (Raugeri) và Tuần phủ Đinh Văn Vinh. Sau đó, Quách Cưu chạy lên rừng núi ẩn náu, còn lang Mường Tút là Đinh Công Ước bị bắt, giặc Pháp đem hành hình ông ở bãi Cánh Chim bên cạnh Thác Bờ.
Sau vụ này, thực dân Pháp thay đổi sách lược, không lấy quan lang địa phương lên làm Chánh lang nữa. Chúng rời “tỉnh lỵ” xuống xã Hòa Bình, lấy luôn tên tỉnh là tỉnh Hòa Bình, còn ở các châu, chúng lấy những tên lang đạo nào có uy tín ở vùng đó lên làm chức tri châu và phó tri châu, chúng thả lỏng cho các lang này được hưởng một số quyền lợi: như chiếm ruộng đất mở rộng vùng cai quản, gây ra sự mâu thuẫn giữa các nhà lang với nhau vì sự chiếm đoạt này.
Vài chục năm sau, thực dân Pháp thấy chế độ lang đạo rất cản trở cho sự bóc lột thống trị của chúng, nên chúng đã thực hiện âm mưu rất thâm độc là làm trụy lạc các tay sai (lang đạo) bằng rượu chè, cờ bạc, trai gái, rồi đưa tất cả ra xử lý, sa thải…; đồng thời lợi dụng đạo Gia tô, bằng cách đưa các cố đạo vào tuyên truyền chống các nhà lang. Đưa dần các tên tay sai người Kinh lên thay thế dần các nhà lang ở tỉnh và huyện, đề cao vai trò tổng lý, tước dần quyền hạn của nhà lang. Quan lại hồi này chỉ là bù nhìn, làm bung xung cho tổng lý, không có quyền lực gì nhiều nữa.
Trước tháng 8 năm 1945, tỉnh Hòa Bình không phải xã nào cũng có lang đạo cai quản, và phương thức bóc lột của các nhà lang cũng không giống nhau ở các địa phương (xã). Ở các vùng tiếp giáp với vùng xuôi, chế độ lang đạo nhạt dần, chứ không giống như ở vùng trên. Lang đạo bóc lột theo kiểu phát canh thu tô, hoặc nuôi nhiều con ăn, người ở. Còn tục lệ trong thôn xã, không khác gì vùng xuôi, như: vào đinh, mua ngôi thứ, vào lão, khao vọng, quan viên tế lễ…, hạ thượng điền, mồng một, ngày rằm, tiệc chùa, đình đám… Lang đạo lúc này chỉ còn được hưởng một điểm là khi nào làng xóm có việc khao vọng, tế lễ thì được mời ngồi cỗ trên, hoặc trong các buổi đỏn rước thì đứng hàng đầu. Do vậy một số lang đạo muốn vớt vát chút ít quyền lực thì phải lo chạy vạy nhảy vào làm tổng lý. Thời kỳ chế độ lang đạo còn thịnh hành, nơi nào lang đạo tàn bạo, nông dân làm “cụ lão” phải bỏ lang này đi theo lang khác. Hoặc đi theo đạo Gia tô. Cũng có trường hợp người ta đứng dậy đoàn kết giết chết lang, như ở thôn Sì, Riệc, xã Văn Lãng, châu Lạc Sơn (dìm chết lang Quách Hồng, bắn chết lang Quách Thượng).
(Nhưng, cũng có những nhà lang, con cháu nhà lang thật oai dũng, chí khí, không chấp nhận sống nhàn nhạt vô nghĩa – như những gì mà loạt bài này đang đề cập).
Trích trong tác phẩm “Hòa Bình quan lang lược sử” của học giả Quách Điêu:
“Đời Hùng Vương: Quang lang khởi tổ, từ cuối đời Văn Lang, là những con thứ, cháu thứ nhà vua, được chia phong cho các họ là: Đinh, Quách, Bạch, Hà, Sa, Cao. Sáu họ làm quan Lang, đều đem những người nhà trai gái vào mở mang ruộng vườn, chiêu dân lập ấp, rồi sau con cháu sinh sản nhiều, giàu mãi ra, mới lập nên châu, tổng, xã, thôn. Lúc bấy giờ, họ nhà Lang, cha truyền con nối, đều xưng là Quan Lang, con gái gọi là Mãng Nàng, trên đối với vua, là tình cha với con, dưới đối với dân mường, là nghĩa ông chủ thầy tớ, tình nghĩa yêu mến nhau rất là thân thiết. Lúc ấy, vua ban dạy cho (các quan lang) phép làm tên nỏ độc để bắn những loài ác thú, và dạy chô thuốc đánh bả cá ở suối, và dạy làm chài lưới, cùng làm máy xe quay nước để cấy ruộng (về sau đời Lý, đời Trần, đời Lê đến nay, vẫn còn theo tục ấy mãi mà làm ăn).
(…) Đến Thời kỳ thuộc Pháp, năm Đồng Khánh, các thổ mục quan Lang đều về bái yết, Chính phủ Bảo hộ nhờ ơn hiểu dụ cho được thổ quan trị thổ dân, và nghị định trích lấy những dân Mường, hạt nào đều có quan lang trong các tỉnh, như là: Ninh Bình, Sơn Tây, Hà Nội, Hưng Hóa mà lập ra một tỉnh, trước thì đóng tại phố Phương Lâm, rồi đem rời lên Chợ Bờ (2 địa danh trên đều thuộc tỉnh Hòa Bình ngày nay), đều gọi tên là tỉnh Phương Lâm. Đến năm Thành Thái, lại dời tỉnh lỵ về đóng tại đầu làng Hòa Bình, mới đổi gọi là tỉnh Hòa Bình, gồm thuộc cả 5 châu (là châu Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Mai Châu, Đà Bắc), 14 tổng, 84 xã dân, đầu tỉnh cai trị có quan (Tuần Phủ) Chánh Quan Lang, dưới có Án sát sư, các châu đều có Chánh, Phó, Tri châu, đẻ mà cai trị việc công, với các Lang dân trong hàng tỉnh.
Chức thổ mục được khai xưng là Thổ Lang và Thổ đạo. Đến năm Duy Tân ở tỉnh lỵ có việc xảy ra (năm 1909, ở làng Mông Hóa, châu Lương Sơn, có người tên là Bùi Văn Kiêm (tức Tổng Kiêm) tự ý mình không chịu thuộc quyền bảo hộ, dụ những nười dân lên đánh lấy tỉnh Hòa Bình, giết hại quan binh, sau Toàn quyền lên kinh lý và hiểu dụ các quan lang nên xuất tài xuất lực, đem dân binh đi đánh, thì bắt được Tổng Kiêm nộp lên Chính phủ trừng trị), quan Toàn quyền, ngài lên kinh lý ở bản tỉnh, lúc ấy các thổ lang đều phải về bái chào hầu việc được hơn 70 ông, đội ơn hiểu dụ cho rằng: những ông Lang nào có tiếng thì đều cho xưng làm chức quan Lang, để hợp lệ cổ, và trong sự thể nữa, lúc này thực là Nhà nước dạy dỗ, khai hóa, ưu đãi cho các Lang dân xứ Mường cũng gần bằng như triều nhà Lê vậy”.
Trước Cách Mạng Tháng Tám, xứ Mường Hòa Bình, cùng với 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động là các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hà… nối đời làm Lang cai quản. Đối với từng dòng họ thì con trai trưởng làm Lang Cả, con trai thứ làm Lang em chia nhau đi Ăn Lang (cai quản) từng vùng. Toàn tỉnh có một hội đồng Quan Lang gồm 12 thành viên. Trong đó đứng đầu là Chánh Quan Lang mà quyền thế như ông vua một vùng.
Theo như cuốn “Địa chí tỉnh Hòa Bình” mới xuất bản, thì: “Từ năm 1910 đến năm 1933, Hòa Bình đã trải qua 14 đời Công sứ. Tương đương với 14 Công sứ Pháp là 5 Chánh quan lang (hay tuần phủ) gồm: Đinh Công Xiển, Quách Vỵ, Đinh Công Thịnh, Đinh Công Nhung, Đinh Công Xuân. …”. “Đứng đầu cai trị là một công sứ Pháp, Công sứ có toàn quyền quyết định mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong địa bàn tỉnh. Dưới công sứ có phó công sứ và một văn phòng giúp việc. Bên cạnh bộ máy cai trị, chỉ huy của người Pháp thì có bộ máy thừa hành của người bản địa. Đứng đầu bộ máy thừa hành là một Chánh quan lang, có phó quan lang và một số thư lại giúp việc” (trang 240 sdd).
Những chiến công của “quan lang” Đinh Công Đốc qua tài liệu của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hòa Bình hiện nay:
(Trích nguyên văn hồ sơ Khu căn cứ cách mạng Mường Diêm. Nguồn: Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hòa Bình)
Đầu tháng 2 năm 1945 chiến khu Hoà – Ninh – Thanh chính thức được thành lập (sau đổi tên là chiến khu Quang Trung). Lúc này phong trào cách mạng ở Hoà Bình đã phát triển mạnh và Xứ uỷ Bắc kỳ cử thêm một số cán bộ của tỉnh Ninh Bình lên tăng cường cho Hoà Bình để xây dựng phong trào gồm các đồng chí: Hoàng Ba, Hà Bình, Nguyễn Hoà và đồng chí Phán… Tình hình ngày càng chuyển biến có lợi cho ta, Nhật Pháp sẽ cắn xé lẫn nhau, ta cần phải xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập các khu căn cứ, để đón chờ thời cơ đánh đuổi đế quốc, giành chính quyền… Sau cuộc họp đã quán triệt đường lối và nhiệm vụ, các đồng chí Hà Bình, Nguyễn Hoà, Hoàng Ba và đồng chí Phán thành lập một tiểu đội du kích để làm nòng cốt đầu tiên toả đi các vùng rừng núi để xây dựng khu căn cứ cách mạng.
Vùng Mường Diềm gồm 2 xã: Quy Đức và Đức Nhàn thuộc Châu Mai Đà (cũ) là một vùng rừng núi hiểm trở bên sông Đà, cách thị xã Hoà Bình không xa nhưng lại là nơi có nhiều dân tộc nghèo đói nhất trong tỉnh lúc bấy giờ. Cai quản vùng này là Đinh Công Phủ một nhà lang có thế lực và con trai là Đinh Công Đốc có tinh thần yêu nước muốn đành Pháp đuổi Nhật. Thế lực nhà lang ở đây gần như tuyệt đối, người dân chịu mọi sự cai quản của chế độ lang đạo hà khắc, bảo thủ, trì trệ.
Được sự giúp đỡ của Đinh Công Sắc (là con em một nhà lang có uy tín ở vùng Mai Đà có tinh thần yêu nước đã được giác ngộ cách mạng), đồng chí Phan lang đã gặp được ông Đinh Công Phủ, là một lang cun rất có thế lực ở vùng thượng lưu sông Đà. Lúc đầu Đinh Công phủ chưa tin tưởng vào cán bộ cách mạng, dùng nhiều thủ đoạn để thăm dò. Sau thời gian kiên trì truyết thyuyết phục khéo léo, Đinh Công Phủ đã đồng ý tổ chức một cuộc họp toòn thể giới lang đạo dướí quyền, đứng đầu các chòm xóm trong vùng để bàn hợp tác với Mặt trận Việt Minh đánh đuổi Phát xít Nhận và đồng ý ủng hộ cách mạng 30 khẩu súng mà Đinh Công Phủ đã lấy được của Pháp chạy Nhật bỏ lại trong ngày Nhật đảo chính Pháp.
Đinh Công Phủ tán thành theo Việt Minh làm cách mạng nh¬ng lại lo sợ Việt minh nắm hết lực lượng và quyền hành. Nhưng do sự tuyên truyền, thuyết phục khéo léo của đồng chí Phan Lang về chính sách của Mặt trận Việt Minh, Đinh Công Phủ hiểu ra vấn đề và chấp nhận cho đồng chí Phan Lang tổ chức quân lính cảu Đinh Công Phủ thành một đơn vị tự vệ do con trai Đinh Công Phủ là Đinh Công Đốc trực tiếp chỉ huy.
… Sau khi giành song chính quyền ở Châu Mai Đà lực l¬ượng vữ trang của khu căn cứ Diềm kết hợp với một bộ phận của khu căn cứ Hiền Lương – Tu Lý tiến lên giành chính quyền ở Suối Rút, ngày 26/8/1945. Ngày hôm sau theo đường 15 lên phố Vãng (huyện Mai Châu) Sau đó lực lượng khởi nghĩa do Đinh Công Đốc chỉ huy theo lệnh của Xứ uỷ tiến lên Sơn La phối hợp cùng nhân dân địa phương giành chính quyền ở Mộc Châu thắng lợi.
Nhìn lại khu căn cứ Mường Diềm từ tháng 5/1945 đến thánh 8/1945, trong thời gian 3 tháng phong trào cách mạn ở đây phát triển vững chắc cả bề rộng và bề sâu. Việc xây dựng thành công lực lượng vũ trang tập trung và bán vũ trang cùng với xây dựng căn cứ cách mạng ở đây đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng tháng 8 ở Hoà Bình.
Khu căn cứ cách mạng Mường Diềm sau cách mạng tháng Tám:
Sau khi chính quyền cách mạng đ¬ược thành lập. Bọn phản động của Đại Việt duy dân âm m¬ưu lật đổ chính quyền còn non trẻ. Năm 1946 bọn chúng hoạt động mạnh ở vùng Mường Diềm. Biết đ¬ược âm mưu của chúng, lực lượng vũ trang của ta ở Hoà Bình, kết hợp với đội quân của Đinh Công Đốc làm nội ứng đã tấn công vào sào huyệt, tiêu diệt đại bộ phận đầu sỏ và lực lượng vũ trang của Đại Việt duy dân ở bến Chương, Chợ Bờ, Suối Rút. Trong trận đánh này tên đảng trưng Lý Đông A đã bị Đinh Công Đốc bắn chết. Sau trận tấn công này, âm mư¬u phản động của bọn Đại Việt duy dân bị dập tắt.
Vào cuối năm 1946 đầu năm 1947, thực dân pháp cho quân nhảy dù xuống Chợ Bờ (huyện lỵ châu Mai Đà), au đó chúng tiến quân lên Phố Chò (Ruồi Rút) bằng hai đưường:
– Đưường thuỷ: chúng dùng ca nô đi theo đường sông Đà ngược lên Mường Diềm, khi đến núi Bò (thôn Bãi Cả) bị đội quân của Đinh Công Đốc phục kích đã bắn chìm hai ca nô, bọn chúng đã phải tháo chạy xuôi về suối Rút.
– Đưường bộ: chúng có khoảng hai trung đội theo đường từ chợ Bờ qua Hào Tráng vào Oi Luông, Oi Nọi, tại đây chúng bị đội quân của Đinh Công Đốc chặn đánh ở khu vực Gốc Sung buộc chúng phải rút quân về Chợ Bờ.
Vào cuối năm 1947 đầu năm 1948 thực dân Pháp lại đưa khoảng một đại đội theo đường sông Đà vào bến Hạt lên bản Kìa và bản Men. Sau khi đốt phá bản hạt và bản Men, bản Kìa chúng tiến quân vào Mường Làu, Mường Xàm. Biết được âm mưu của thực dân Pháp, đội quân du kích Mường Diềm có Đinh Công Đốc phối hợp với chỉ huy bộ dội chủ lực địa phương đã mai phục tại đỉnh dốc suối Nàng Nòn (nay thuộc xóm Khem xã Đoàn Kết). Khi thực dân Pháp tiến quân tới đội quân của ta đã giật bẫy đá và dùng súng, nỏ tấn công. Trận tấn công bất ngờ của quân ta đã làm cho quân Pháp không kịp chống đỡ nên đã bị tiêu diệt nhiều tên và thu được một số vũ khí, số thực dân Pháp sống sót chạy quay lại bến hạt theo thuyền về suối Rút.
Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Hoà Bình nói chung và căn cứ Mường Diềm nói riêng đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả nước.
Rồi mọi người sẽ hiểu tấm lòng của “con nhà lang”
Cô giáo Đinh Lâm Oanh dạy môn lịch sử bậc phổ thông ở thành phố tỉnh lỵ Hòa Bình thời mới. Cô nổi tiếng là người phụ nữ đẹp, quý phái, từng đoạt giải nhất giáo viên thanh lịch, duyên dáng, dạy giỏi của tỉnh. Nhưng, nhiều người thắc mắc: sao lúc nào cô giáo Oanh cũng phảng phất nét buồn gì đó rất là xa vắng. Chỉ người ở gần cô mới hiểu, sự kỳ thị “con cái nhà lang” xảy đến với cô Oanh là có thật, nó không lớn đến độ dữ dằn hắt hủi, nhưng nó cũng chẳng bé đến mức người ta ngỡ cô giáo Oanh tự kỷ ám thị tưởng tượng ra sự “thị phi” đó. Nghe nói, ở tỉnh lỵ Hòa Bình, có thời (trước đây) người ta còn trưng bày các “dụng cụ” gong cùm, tội ác liên quan đến nhà lang mang họ Đinh của cô giáo Oanh. Cô Oanh không biết đến những “tội ác” mà người ta vẫn đồn thổi. Cô chỉ biết: ông nội mình có tới 7 bà vợ tất cả. Mắt cô được nhìn thấy, gặp gỡ 5 bà. Có khi, trong một ngày, ông Phủ cưới 2 bà vợ. Tất cả họ đều đoàn kết, thương yêu nhau, 7 bà thuộc 7 dân tộc khác nhau ở vùng Hòa Bình, có lẽ do tình cờ, ông chỉ không có bà vợ nào là người dân tộc Dao. “Còn lại, đủ cả” – cô Oanh nói, hơi hài hước mà lại cũng rất là mến thương. Bởi ngày xưa, nhiều vợ không phải là cái gì đáng lên án như bây giờ.
Nếu được hỏi: cô giáo Đinh Lâm Oanh thần tượng ai nhất trên đời? Chắc chắn, câu trả lời sẽ là: “Cha tôi, cụ Đinh Công Đốc”. Ông Đốc được cha là quan Phó lang Đinh Công Phủ cho học Tây học dưới trường Bưởi Hà Nội từ nhỏ, sinh ra ở cái thời “Ba mươi bốn lăm” (1930-1945) huyền thoại, ông Đốc đã sớm mang cái tráng chí đượm màu anh hùng ca, kiểu “thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời” của văn học lãng mạn. Ông đã gương cao ngọn cờ kháng Việt gian, kháng Pháp từ nhỏ. Thống lĩnh binh mã khắp cả chiến khu rộng lớn dọc sông Đà, từng dẫn đại binh đánh Pháp, từng cùng những người Cộng sản đi giải giáp vũ khí quân đội Nhật khắp nhiều huyện của tỉnh Hòa Bình, lên mãi Sơn La, sang Thanh Hóa, tiến đến giáp biên giới Việt Lào, võ công văn trị của ông Đốc được người Hòa Bình kể mãi như một huyền thoại. Nhiều “chiến binh” người Nhật đã quy phục tài năng, đức độ của Đinh Công Đốc mà dẫn “hàng binh” lại, cắt máu ăn thề nguyện suốt đời làm anh em kết nghĩa với ông Đinh Công Đốc để dùng dốc lòng giúp người Việt Nam sớm giành được độc lập hoàn toàn. Có người Nhật như ông I Si (tên thường gọi), còn cải thành họ Đinh của người Mường, lấy hẳn tên Đinh Công Minh, nguyện làm người em “cắt máu ăn thề” của Đinh Công Đốc. Ông I Si chính là người đã cưỡi ngựa trắng, xông lên, dầm nát thân mình trong cơn bão đạn để cứu sống người anh Đinh Công Đốc trong một trận tử chiến bên bờ sông Đà. Từng là đội trưởng chiến khu Mường Diềm, là Ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hòa Bình, là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 97 trung đoàn 148, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập 930, Phó giám đốc Trường quân chính Tây Bắc, Quyền Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Mai Đàn; nhưng, về già, ông Đốc làm lụng như một tiều phu đích thực, đóng gạch, kiếm củi, lặn lội vào tận dải đất miền Trung, nhọc nhằn kiếm kế nuôi con thanh bạch trong cái thời cả nước còn khó khăn. Năm 1994, ông Đốc trút hơi thở cuối cùng tại thị xã Hòa Bình. Vài năm sau, cô giáo Oanh mới được xúc động làm một việc mà suốt nhiều năm cô đã đau đáu: cô lặng lẽ đặt tấm Huân chương kháng chiến hạng nhất do Nhà nước Việt Nam giành tặng những đóng góp quý báu của con nhà lang Đinh Công Đốc lên ban thờ cha mình.
Ông Đốc sống giản dị, đặc biệt tha thiết thiên nhiên và các cộng đồng thiểu số vùng Tây Bắc. Ông từng lang thang khắp núi rừng Hòa Bình để theo chân con gái Đinh Lâm Oanh lận đận làm giáo viên cắm bản. Khi cô giáo Đinh Lâm Oanh tròn 18 tuổi, ông Đốc dắt con đi khắp núi non vùng Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, toàn bộ “cõi trời Tây Bắc” ông thuộc như lòng bàn tay. Đi bộ, tay nải nhẹ trên vai, cây gậy chống thênh thang dốc núi, bố con ông Đốc đến bản làng nào, bà con người Thái, Mường, Dao, Mông, Tày… đều đón ông như đón người thân trở về. Suốt ba tháng trời, hai bố con đi trong mây mù, sống trong tình cảm nồng hậu của những người từng cưu mang ông Đốc và các chiến binh quả cảm của ông dọc đường xả thân diệt thù vệ quốc.
Cô giáo Oanh bảo, suốt đời cô không thể quên được cả trăm ngày sống trong vùng huyền thoại núi và mây cùng bố đó. Núi rừng, bản làng, các cộng đồng người, ông Đốc thân thuộc và thương mến như chân như tay của mình, vừa đi, ông vừa giảng giải cho con gái nghe từng lý lẽ của cỏ cây, của các cộng đồng người, của tình đồng chí từ lúc đất nước còn chìm trong nô lệ. Chính vì thế, mà sau này cô Oanh đã chọn con đường thi vào sư phạm ngành sử, để có cơ hội hiểu thêm về những điều mà người cha ấy chưa kịp nói hết với cô.
Tôi (người viết bài này) lần giở từng trang “hồi ký”, tư liệu, những tấm ảnh cũ nát do ông Đinh Công Đốc để lại mà lòng không thôi thổn thức về một nhân cách người Mường khả kính. Trong cuốn sổ công tác sờn cũ, mà suốt đời chiến chinh, công tác, ông Đốc luôn mang theo bên mình, ở trang trang đầu là tấm ảnh Hồ Chí Minh được cắt từ tờ công báo và lời đề viết tay nắn nót do ông Đốc viết: “Hồ Chí Minh sống mãi”; lật trang thứ hai là tấm ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ với dòng chữ viết tay của ông Đốc, rất nắn nót: “Võ Đại tướng muôn năm”. Bên cạnh đó là tấm ảnh ố cũ, có chú thích về cái thành phố Hô Kê Ha Ma (?), gia đình dòng họ bên nước Nhật của người anh em kết nghĩa I Si của ông Đốc đã sống. Tất cả được giữ gìn trân trọng. Bởi ông I Si đã quên mình cứu ông Đốc. Mộ ông I Si được đặt ở khu vực Dốc Sung, nơi ấy giờ vùi dưới 9 tỷ m3 nước của lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, công trình thế kỷ của Việt Nam. Sinh thời, nhiều năm, ông Đốc vẫn thường ra khu vực nhà máy, nhìn xuống lòng hồ mênh mang nước bạc mà khóc nhớ I Si (tên Mường của ông I Si, cải theo họ của ông Đốc, là Đinh Công Minh).
Cô giáo Oanh nức nở hồi tưởng lại: trong những năm tháng khó khăn, bố tôi tự đóng gạch mộc xây nhà, lên rừng kiếm củi bán, khi anh chị em tôi bị kỳ thị vì là con nhà quan lang, có người khóc lóc chạy về mách bố, bố bảo: “Không sao con ạ. Rồi trời lại sáng thôi. Đến một lúc nào đó mọi người rồi sẽ hiểu mình. Các con hãy nhớ làm được điều gì tốt cho đời thì mình cố gắng mà làm thôi. Rồi mọi người sẽ hiểu”. Bố muốn chúng tôi có một tuổi thơ sáng trong, lạc quan như vậy, dù chưa chắc lúc đó bố đã dám nghĩ như vậy. Chiếc áo trấn thủ do Bác Hồ tặng, cùng các kỷ vật chiến tranh được ông Đốc trân trọng lưu giữ suốt nhiều năm, hiện chúng được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Từ tháng tư năm 1945 đến cuối năm 1954 là những tháng ngày làm cách mạng sôi nổi và đầy nhiệt huyết của ông Đinh Công Đốc. Là đội trưởng chiến khu Mường Diềm, là ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hòa Bình, là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 97 trung đoàn 148, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập 930, phó giám đốc trường quân chính Tây Bắc, quyền Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính (nay là UBND) huyện Mai Đà; đến cuối năm 1954, ông Đinh Công Đốc xin nghỉ về làm ruộng tại quê nhà. Ông mất năm 1994, trong cảnh nghèo khó.
“Sợ cuộc đời sẽ mờ đi trong trướng gấm phồn hoa!”
Sinh năm 1925, là con một quan lang nổi tiếng cai trị vùng đất rộng lớn và màu mỡ (khu vực Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình hiện nay), cậu bé Đinh Công Đốc là một cậu ấm sống trong nhung lụa theo đúng nghĩa đen. Ông nội Đinh Công Đốc là Đinh Công Quế, đã bị giặc Pháp đầu độc chết sau quá trình chiêu binh mãi mã có ý định kháng Pháp. Cha Đinh Công Đốc là Đinh Công Phủ, cực chẳng đã làm Phó Lang, dưới quyền giặc Pháp và bè lũ tay sai. Được sự giác ngộ của đặc phái viên Tổng Bộ Việt Minh, đồng chí Phan Lang (sau này là Thiếu tướng), ông Phủ đã dùng uy tín quan lang của mình, vận động đồng bào Mường ủng hộ kháng chiến. Sau Tổng khởi nghĩa, ông Phủ được cử làm Chủ tịch Lâm thời tỉnh Hòa Bình, đã nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Đinh Công Đốc là con trai cả của Đinh Công Phủ, từ nhỏ, được cha cho học hành tử tế ở trường Tây dưới Hà Nội, ông đã sớm bắt được cái ngọn gió thời đại, tư tưởng phóng khoáng, thấy được cái nhục làm nô lệ. Cuốn hồi ký dày và cũ ố, chữ mất chữ còn của ông đã khiến người viết bài này thức trắng nhiều đêm để luận từng chữ. Nhưng, tôi còn thao thức hơn, là vì cái tráng chí của một người đàn ông Mường. Thật đáng cảm kích. Lịch sử sinh động của một thời rối ren, thời trứng nước cách mạng, thời khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 đã hiện ra rờ rỡ. Người thật, việc thật, cái góc nhìn của gã trai người Mường rất là ngộ nghĩnh và “đầy hùng tâm tráng khí”. Cảm như cái hơi hướng của nhân vật trữ tình trượng nghĩa thời 1930 – 1945 nào đó đã ít nhiều hằn trong hình ảnh con nhà lang Đinh Công Đốc, khi chàng vươn ra với ánh sáng cách mạng, tôi đã làm phép cộng trừ năm tháng: thì ra, sinh năm 1925, Đinh Công Đốc lớn lên và đón làn gió thời đại đúng vào thời kỳ 1930 -1945, một thời kỳ của ánh sáng. Cậu bé người Mường, vươn ra khỏi bản Mường, đã sớm hiểu cái lẽ “chí làm trai dặm nghìn da ngựa” để tận tâm tận lực góp phần đưa cộng đồng, đưa non sông đến con đường sáng.
Xin phép linh hồn cụ Đinh Công Đốc ở tít mãi cõi xa xanh, tôi chép lại đôi phần cuốn hồi ký tản mạn, gạch xóa, cũ ố, chữ được chữ mất của ông, như một cách để bày tỏ lòng cảm kích, tôn kính một nhân cách Mường hiếm có. Ông nội (Đinh Như Quế) và bố đẻ (Đinh Công Phủ) đều bị giặc Pháp giết chóc, hà hiếp đủ đường, từ nhỏ, ông Đốc đã nấu chí tìm đường đánh đuổi giặc Pháp và tay sai. Ông viết về mối nợ nước thù nhà của mình như sau:
“.. Sau này, Đinh Như Quế bị giặc Pháp sát hại, ông để lại một người con nấu chí báo thù cho cha từ khi còn rất nhỏ, đó là Đinh Công Phủ. 15 tuổi Đinh Công Phủ đã tích trữ lương thảo và vũ khí trong nhà chuẩn bị đi đánh giặc, giặc Pháp biết tin đến khám nhà và đòi đưa ông Phủ đi tù. Phải chạy chọt mãi mới thoát. Khi ảnh hưởng của ông Phủ đã lớn trong cả vùng, giặc Pháp đi tuần tiễu ở khắp vùng Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La, chúng bắt ông Phủ phải đi cùng chúng, để chúng giám sát xem ảnh hưởng của ông Phủ đến dân chúng đến mức nào. Khi kết thúc hành trình, chúng lại đòi ở lại ở nhà ông Phủ một đêm một ngày để dò la tin tức. Thấy vậy, ông Đinh Công Quyền, Tri phủ Mai Đà…, bèn bảo mẹ của ông Phủ vào lạy Chánh sứ Pháp Lipecky và tuần phủ Dương Quý Biên. Khi bà cụ vừa định cúi đầu lạy, thì ông Phủ xông vào, kéo mẹ mình ra, nói to: Con có tội thì con chịu tội, việc gì đến mẹ mà mẹ phải cúi đầu lạy người ta!
“Bọn chúng bèn đổi thái độ, chúng gọi tôi (Đinh Công Đốc – Đ.D.H) và em trai tôi là Đinh Công Ký (năm ấy tôi 15 tuổi) vào, tên tay sai Dương Quý Biên xảo quyệt thật, hắn chằm chằm ngắm nghía tôi và em tôi, hắn bảo: cậu này được cái tai, cậu này được đôi mắt, xống mũi, rồi dấn chúng tôi vào cuộc xòe và uống rượu cùng họ. Còn tên công sứ tây, nằm ở phòng khách mân mê ả phù dung”.
Những dòng lịch sử, xúc cảm, hồi ức người thật việc thật vô cùng quý giá về đất nước ta, cụ thể là xứ Mường một thời loạn ly với sự hành hoành của giặc Pháp và tay sai. Ông viết tiếp:
“Người Mường chúng tôi, những người có học, là con nhà Lang, nhà thế phiệt, lúc đầu (thời kỳ đó), họ nghĩ về cách mạng với một tâm hồn sợ sệt, họ sợ ảnh hưởng đến ngôi vị (tầng lớp thống trị) của họ. Còn tôi thì khác, bố tôi khác, tôi hiểu hơn họ là biết thời cuộc. Nếu tham làm quan thì năm 1942 tôi 17 tuổi đã làm phó Châu con rồi. Nếu tham vọng thì sống luôn bị nó (giặc Pháp) đem bả vinh hoa phú quí đầu độc, tuổi trẻ sẽ mờ đi trong trướng gấm phồn hoa… Nên tôi đã khước từ nó không một chút mảy may suy nghĩ… Tôi đã đăm chiêu suy nghĩ mà ly khai và khước từ, dám cắt đuôi với cái cũ để đón lấy cái mới hoàn toàn để hứng lấy cái ưu việt của thời đại”.
(còn nữa)
Được “cáo già” người Pháp tặng súng nạm vàng
Năm 17 tuổi (1942) vào ngày 28 Tết, cha Đinh Công Đốc bị ốm, mới bảo cậu đem cho tên tuần phủ Dương Quý Biên đồ “lễ tết quan trên” là hai con gà lôi thiến màu trắng mỗi con gần ba cân, một sọt chè khô.
“Chúng tôi xếp các thứ lễ vật vào khay, ông Chung bưng khay, tôi xách hai con gà. Ông Quản Điền đi trước vào công đường. Tên Dương Quý Biên đã chễm chệ ở bàn giấy. Tôi bỏ sọt gà ở cạnh cửa. Ông Chung đặt khay lên bàn lễ. Quản cơ bắt đầu báo cáo: Bẩm cụ lớn, thầy Lang Quy Đức ốm không xuống hầu cụ lớn được, thầy lang nhờ ông hương sư đây là Đỗ Quốc Chung và con giai là cậu Đốc đây thay mặt, đem chút lễ mọn đến chúc tết cụ lớn. Lúc đó, thầy Đỗ Quốc Chung mới lên tiếng: Bẩm cụ lớn, quả tình thầy lang con ốm thật nên cho con và cậu Đốc xuống hầu cụ lớn, và đây là bức thư của thầy Lang con đệ hầu cụ lớn ạ.
Tên tuần phủ họ Dương cầm phong thư ném xuống đất, hắn quát: “Cút. Ta cần thấy mặt bố mày, chứ ta thiếu gì gà rượu”.
Bị tên tuần phủ chửi mắng hách dịch ra oai, tức sôi lên, lập tức ông ôm ngay hai con gà và đồ lễ về thẳng, nhờ nhà hàng dọc đường mổ gà luộc lên đãi bạn bè. Con gà còn lại dọc đường ông cho nốt anh làm bếp đem về làm thịt, mặc cho đoàn tùy tùng “đi đút lót” hết sức sợ hãi. Về nhà, kể lại chuyện cho bố mình nghe, ông Đinh Công Phủ im lặng, chỉ “Ừ” một tiếng đầy chán nản. Sự phản kháng với giặc Pháp và tay sai trong cha con nhà quan lang Đinh Công Phủ đã lên đến tột đỉnh.
Có lẽ vì thế mà khát vọng tung hoành đi khắp thiên hạ để hiểu nhiều điều, có tầm nhìn rộng lớn của Đinh Công Đốc đã rất được ông Phủ ủng hộ. Theo học trường Bưởi, năm 18 tuổi, cậu Đốc bàn với cha cho mình đi học nghề rồi xin giấy phép của giặc Pháp để mở mỏ khai khoáng tại huyện Mộc Châu và huyện Phù Yên, của tỉnh Sơn La; nhưng thật ra là cậu chỉ coi nghề mỏ như một thứ ngụy trang cho hành động đi khắp cõi trung binh lực đánh Pháp. Nghe con trai trình bày, mắt ông Phủ sáng lên.
Âm thầm nấu chí, hai năm sau, từ bỏ đặc quyền nhung lụa của là con nhà lang, ông Đốc đã lập được đội võ trang có 300 tay súng dọc chiến khu Sông Đà. Giặc Pháp và tay sai giật mình bật dậy khỏi bổng lộc bẩn thỉu và những bàn đèn thuốc phiện mê lú, thì chúng đã không còn kiểm soát được đội binh hùng tướng mạnh của Đinh Công Đốc nữa. Không chỉ vận động được bà con các dân tộc cầm vũ khí kháng Pháp thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng sâu núi thẳm, làm kẻ thù thất điên bát đảo nhiều phen, oai dũng và nghĩa khí của Đinh Công Đốc còn cảm hóa được cả những tên ngoại quốc gian xảo nhất vùng Hòa Bình bấy giờ, khiến hắn mang cả khẩu súng nạm vàng bạc, vật kỷ niệm của vợ chồng hắn ra tặng “dũng tướng” bách chiến bách thắng Đinh Công Đốc. Về câu chuyện huyền thoại được nhiều người biết đến này, ông Đốc kể lại trong hồi ký như sau (xin nhấn mạnh, đây là một tư liệu lịch sử quý, như những thước phim tư liệu vô giá):
“Tên người Pháp này lấy vợ người Việt, lấy cô Hát, có con cái hẳn hoi. Hắn ta có nhiều đồn điền trồng trọt và chăn nuôi ở dìa sông Đà. Hắn rất cáo, không tên quan Chánh tổng, lý trưởng xuôi hay ngược ở hai mạn sông Đà là hắn ta không quen thân. Nên khi bọn Nhật đảo chính hắn ta ở lại Tu Vũ, tuy ở đó cũng có bọn Đại – Việt, nhưng không làm gì được hắn ta là vì hắn ta đã tung tiền mua chuộc được. Chính quyền do bọn Nhật dựng lên ở đây cũng làm ngơ cho hắn ta, do bọn địa phương che chở. Nhưng khi thấy phong trào Việt Minh lớn mạnh, (…) hắn nói với cơ sở của ta là xin ủng hộ chiến khu một tấn ngô…. Hắn xảo quyệt đến nỗi là hắn dám đưa khẩu súng săn hai nòng Mai Sanh Ê chiên, súng có khắc chạm vàng tây và vàng mười ta, là khẩu súng kỷ niệm của vợ chồng hắn ra… tặng cho tôi. Đó là một điều đáng ghi nhớ”.
“Không tham gia cách mạng được với cậu, tôi tự thấy là điều hổ thẹn”
Mấy trăm tay súng do Đinh Công Đốc chỉ huy đã hùng cứ một phương lồng lộng, đến khi Nhật hất cẳng Pháp, cùng với việc thực thi chính sách nhổ lúa trồng đay tàn độc của mình, chúng đặc biệt lưu ý tập trung binh lực tấn công vào chiến khu sông Đà. Biết vậy, ông Đốc và các nghĩa binh đã dùng cả truyền đơn, vận động nhân dân chống giặc, thoắt ẩn thoắt hiện làm giặc cực kỳ hoang mang. Đặc biệt, ông có những đêm thức trắng tâm sự với giới trí thức người vùng xuôi, vùng Mường đang hợp tác với Nhật, Pháp “cai trị” người Việt Nam nhằm thuyết phục họ theo Cách Mạng. Ngay cả nhiều cuộc “giác ngộ” chưa thành công, cũng được ông Đốc kể lại với sự chia sẻ đến rơi nước mắt:
“… Chúng tôi biết bọn Nhật điều quân lên Chợ Bờ và Suối Rút chuẩn bị tấn công vào chiến khu. Ngoài việc chúng tôi vận động nhân dân ở sát bờ sông Đà, các ngả đường chúng có thể tiến quân được, là chúng tôi cho nhân dân sơ tán vào thung lũng, tăng cường canh phòng. Còn tôi đi đường tắt đền Chợ Bờ cho dán áp phích và tung truyền đơn vào thị trấn Chợ Bờ, cũng như Suối Rút… Truyền đơn mục đích là kiêu gọi nhân dân ta và số kiều dân người Tàu ở thị trấn, chống lại Nhật và bọn bán nước Hán gian, vạch mặt giả nhân giả nghĩa Đại Nam Á của bọn quân phiệt Nhật. Tuy chẳng có chuyên môn về vấn đề ngày, tôi và Chẩm (một người đồng chí của ông Đốc – Đ.D.H) đưa vào trong truyền đơn những các câu trong báo Cờ Đỏ, có in bản đồ những vùng Việt Bắc ta đã giải phóng cho Đinh Công Quyền và anh Lục Giảng (Nguyễn Văn Giảng) đang làm lục sự ở Mai Đà xem. Lúc xem, họ không hoan nghênh cũng không phản ứng, chỉ nói: “Ừ, biết vậy, nhưng ta khác họ, ta lẻ loi, còn yếu, hãy làm dần dần”. Riêng anh lục Giảng tôi nói rõ tình hình và mời anh tham gia, anh đã tâm sự chân thật: “Cậu Đốc ạ, tôi đã có tuổi, người yếu, không đi được như các cậu là tôi không khi nào phản bội và tôi luôn tin tưởng vào cậu, và ông cụ trên nhà cũng như mặt trận (Việt Minh). Riêng anh Chẩm có thể cùng đi với cậu được thì đi, tôi sẽ ở lại làm phần việc của cậu Chẩm ở châu. Tuần hay nửa tháng phải về, không bọn quan trên lại nghi ngờ, còn quan phủ đây là chỗ người nhà, quan có nói với tôi: cháu tôi đấy (ý nói Đinh Công Đốc – Đ.D.H), các cháu nó làm theo Việt Minh, mình không đi được, kệ các cháu nó, là thời buổi ông Giảng nhỉ. Lòng ông cũng như tâm sự của tôi thôi”. Anh Lục Giảng, một con người tiểu trí thức, sinh vào thời mà đất nước bị giặc Pháp đô hộ, phải đi làm công cho kẻ xâm lược, gọi là ông Phán ông Lục ở công đường làm trợ lý cho quan phụ mẫu một tỉnh hay một huyện. Cuộc sống hằng ngày hai bữa, hai buổi trong ngày, mặc áo the ngồi bàn giấy cọc cạch, chắt chiu tiền mỗi tháng gửi về quê nuôi vợ con!”.
Sự chân thành của người thống lĩnh các tráng binh tiễu giặc dòng sông Đà dường như đã sâu thẳm đến đáy, ông Đốc thương cái anh Giảng sức yếu, tính nhát không dám theo Cách Mạng ấy lắm lắm. Dường như ông đã khóc khi nói thay anh Giảng những tâm sự như thế này:
“Chắc đôi lúc anh cũng thấy lòng se lại. Cho nên khi tôi đem lời của Đảng, của Bác Hồ lên kêu gọi, không phải anh không hiểu. Anh đã là thông ký phán mà. Anh là người nho nhã, ẻo lả như con gái, nói đến đánh đập, đấm đá, anh bỏ ngoài tai. Cho nên, những gì anh nói với tôi là lời nói thật của một con người thật thà. Đến lúc tôi xuống cung đường, hỏi anh những tập công báo, trong một tập có bản án của chính phủ Pháp ở Đông Dương xử án tử hình vắng mặt ông Nguyễn Ái Quốc. Có cả bức chân dung Người lúc 17 tuổi, con người thanh tú… Tôi cầm, ngắm nghía và đọc (…); anh Giảng ở cạnh tôi, anh cứ tấm tắc, “tôi kính phục những người dũng cảm như ông Nguyễn (Nguyễn Ai Quốc – Đ.D.H), 17 tuổi mà đã làm những việc tày trời”. Rồi ông Giảng xúc động: “Tôi ốm yếu, có bệnh, không tham gia cách mạng với cậu được, đúng là một điều rất hổ thẹn”. Đến khi giải phóng xong vùng Sơn La, về công tác ở tỉnh, tôi sực nhớ ra lời hẹn với anh Giảng, tôi trở về hỏi thăm, thì hay tin anh Giảng đã xin thôi việc bỏ về xuôi rồi. Ôi, những con người Việt Nam như anh Giảng hắn là cũng chẳng hiếm, nhưng thực thà rất mực thì cũng không phải là có nhiều lắm!”.
Lệnh Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền vĩ đại năm 1945 của Lịch sử Việt Nam đã đến với ông Đinh Công Đốc bằng cách rất thú vị. Con đường ông và đồng đội tiến quân dọc Tây Bắc giải phóng đồng bào mình, cũng thật cụ thể và sinh động:
“Ngày 21/8/1945, tôi nhận được lệnh của anh Phan Lang bằng một tờ giấy trắng cuộn nhỏ đi từ đường Tu Lý lên. Là lệnh tổng khởi nghĩa đột ngột, ở Hà Nội đã giành chính quyền từ hôm kia, là 19/8 rồi. “Hôm ấy, bộ đội ta có anh Hậu bị thương ở đùi, bắt gọn 3 tên, bắn chết 2 tên, còn 2 tên chạy thoát”. “Được nhân dân tố giác, rằng bọn đầu sỏ giàu có ở Suối Rút đã hùn vốn với bọn Hán gian này, có một kho hàng hóa một kho thuốc phiện… Tôi cho kiểm tra ngay và cho niêm phong. Hàng hóa vải vóc, thuốc men một nhà, một kho thuốc phiện đã phân và cô đặc để xuất biên đựng trong 90 cái thùng, mỗi thùng nặng 20kg, tổng số 1800kg thuốc phiện đã thành khí. Nghe kể lại thì họ đã chuyển đi rất nhiều”.
Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất đối với ông Đinh Công Đốc là từ hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ông tìm đọc những tập công báo. Từ rất sớm, ông đã cắt lấy tấm hình cụ Hồ đăng trên báo và luôn mang theo bên mình. Trong những chặng đường làm cách mạng, ông đã vinh dự được gặp Bác tại Hà Nội và được Bác căn dặn nhiều. Ông cảm nhận về lãnh tụ: cụ Nguyễn Ái Quốc là một nhà nho nghèo, đúng như tờ công báo đã viết, người là một con người Việt Nam rất hiếm, mỗi thời chỉ có một người.
(còn nữa)
Những tráng sỹ “tả xung hữu đột” cứu dân lành
Cảnh bà con huyện Mai Châu tìm đến cánh quân của Đinh Công Đốc cầu cứu trước sự hà hiếp của bọn phản động rất cảm động, rất lạ. Hiếm khi chúng ta được (phải) “tận mục” qua hồi ức của một quan lang, một chiến binh diệt giặc cái cảnh tượng: họ oai dũng từ ổ phục kích, xông ra như Lục Vân Tiên, bắt “đám giặc cỏ” run lẩy bẩy quy hàng, bắt phải trả cho dân lành cả đoàn trâu bò lợn gà, của nả, cùng mấy chục mỹ nữ 18 – 20 tuổi đã qua tuyển chọn bị cưỡng bắt về làm tỳ thiếp, làm “chăn đệm” cho “quang lang phản động”… Từng cô gái trẻ được trở lại nhà với cha mẹ mình!
Cứu 20 mỹ nữ đang bị “cướp” về làm tỳ thiếp nhà lang!
“Chiều hôm 24/8/1945,… chợt nhân dân có thư ra cầu cứu quân giải phóng vào Mai Châu (nay là một huyện của Hòa Bình – Đ.D.H) để dẹp bọn cướp ở Điền L., Thanh Hóa. Sau khi bàn bạc, nhận định cần phải vào, vì rằng Thanh Hóa, cao trào Việt Minh cũng hơi yếu, mà tên Hà Công Thắng kia là con của Hà Chiều Nguyệt, “cứu tướng” của Cần Vương, sau bị giặc Pháp mua chuộc, được đặc quyền cát cứ ở vùng thượng du sông Mã, hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Hắn dựa vào uy thế rất hống hách với nhân dân. Nghe đâu hắn còn giả danh Việt Minh lên các vùng thượng lưu sông Mã, sông Lồ, Mường Lý, Mường Lát, tịch thu trâu bò, ngựa nghẽo, của cải, bắt cả các cô gái về Điền L. Hắn hẹn vào Mai Châu, nhân dân Mai Châu nhốn nháo sơ tán của cải đi giấu. Họ cho người ra đón chúng tôi. Vì qua sự kiện ở Suối Rút, Chợ Bờ, họ đã hiểu quân cách mạng chúng tôi… Chúng tôi phải đi bộ vào Mai Châu, hồi ấy đường số 6 bị hỏng xe không thể đi được. Ngay chiều hôm ấy chúng tôi lên đường, vào đến Phố Vãng (Mai Châu) đã 9 giờ đêm.
Nhân dân Mai Châu, các kỳ hào, kỳ mục, chánh tổng, lý trưởng trong các xã, các tù trưởng thế phiệt họ Hà Công, kể cả Hà Công Nhất, Bang tá Suối Rút, người Mường Hịch cũng có mặt đông đảo, đuốc đèn đứng chờ chúng tôi. Dân Mai Châu đang chờ chúng tôi là cứu tinh của họ, vì họ đang ở trong vòng đe dọa của tên Hà Công Thắng. Hôm ấy, trong đêm tối mịt, những ánh đuốc đã làm sáng cả một khúc dài rộng dọc thung lũng Mai Châu. Tiếng hoan hô cách mạng đập vào những vách đá xung quanh dội lại, những âm thanh nghe hoành tráng vô cùng…
Đến Vạn Mai trời vừa tảng sáng. Đoàn binh của Đinh Công Đốc bố trí phục kích chờ “giặc” từ phía Co Me xuống. Độ 8h sáng thì thấy một đoàn gồng gánh, ngựa thồ, đồ đạc, trâu bò và cả một số phụ nữ hơn 20 người, cô nào cô ấy xinh đẹp vì đã qua tuyển chọn của bọn chúng, độ tuổi các cô đều 18 -20 tuổi. Chúng nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh mà ngơ ngác. Chúng có một tiểu đội 12 người với vài khẩu súng trường đi áp tải. Tên đội trưởng đến trước mặt Đinh Công Đốc, hắn run lẩy bẩy, “thưa bẩm”:
“Tôi bị ông Hà Công Thắng sai áp tải những của cải, đồ vật, các cô gái này về Điền L. Chứ Việt Minh hay là cái gì mà ông nói, tôi không hiểu gì cả”. Hỏi đến tên Thắng, thì tên này đã đi theo đường sông Lồ về Hồi Xuân hôm qua rồi. Ông Đốc bảo hắn: “Thầy các anh là lang Hà Công Thắng tao không lạ gì. Các anh về báo cho Hà Công Thắng rằng, ta là Đinh Công Đốc, con ông Đinh Công Phủ ở Mường Diềm, đi làm cách mạng, có mặt trận Việt Minh và Đảng lãnh đạo. Các anh bảo thầy các anh rằng, không được hà hiếp nhân dân, phải theo cách mạng, nếu không ta sẽ trừng trị”. Bao nhiêu của nả, con người, được các chiến binh đem trả lại cho nhân dân, nhà ai người nấy về, của ai người nấy nhận.
Cưỡi ngựa, tấn công, giải cứu như trong… Tam Quốc chí
Cảnh tiến công lên giải phóng Mộc Châu, bảo vệ bác Sa Văn Minh, dùng mưu trí, ba tấc lưỡi và cả uy vũ nức tiếng của mình để cứu người bạn của cha mình, một thủ lĩnh người Thái khỏi cái thế uy hiếp ngàn cân treo sợi tóc trước bọn phản động có súng ống trong tay (cứ như trong Tam Quốc chí với các cuộc chiến dụng mưu đoạt thành trì). Đọc đến đây, tôi càng thêm tin tưởng: ông Đốc là người mê Truyện Kiều, mê văn chương Pháp, đặc biệt, trước khi cưỡi ngựa dẫn các tay súng lão luyện của mình đi giải phóng quê hương, ông đã đọc rất kỹ Binh pháp Tôn Tử (như ông đã tiết lộ trong hồi ký):
“Sáng hôm sau, chúng tôi đi vào Xuân Nha, đất Mộc Châu (nay là huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La – Đ.D.H). Suối nước Quanh lắm cá thật, ném một quả lựu đạn mà cả đoàn quân cả dân công gần 300 con người đủ cá ăn. Đường là đường mòn, lúc phải qua đèo tương đối cao, may có hai con ngựa của bọn Hà Công Thắng mới cướp được, khi quân cách mạng đem trao trả cho dân thì không có chủ nhận, thế là cho hai anh Tình và Ty cùng cưỡi, hai anh lớn tuổi, không quen đi đường núi. Trong lúc cùng nhân dân ăn cơm đoàn kết thì thấy hai người cưỡi ngựa tới, thì là người nhà của bác Sa Văn Minh (ông Minh cũng là tầng lớp quan lang đã giác ngộ cách mạng,, là chỗ thân tình với gia đình ông Đốc từ xưa – Đ.D.H) và một người tâm phúc nữa. Họ đưa thư khẩn cấp: Lường Văn Phúc, sai hai đứa con trai là Lường Văn Quay và Lường Văn Đôi đem quân đủ võ khí lên định sát hại bác Sa Văn Minh và cướp châu lỵ Mộc Châu trước quân cách mạng. Nhưng do được một số dân binh thân cận và các lính dõng cầm cự, nên bọn chúng chưa dám nổ súng.
Cảnh tình như vậy, nếu đi bằng chân (đi bộ) thì ít nhất phải trưa hôm sau mới tới được Mộc Châu, nên tôi nói với ông phìa (tầng lớp cai trị ở địa phương – Đ.D.H) Xuân Nha là cháu của ông Minh, phải cho tập trung số ngựa có trong toàn bộ xã lại để chúng tôi tức tốc mượn, cưỡi thẳng đi Mộc Châu, may ra mới kịp. Được 45 con ngựa thuần có yên cương. Cũng may, trong đội quân có nhiều chiến sỹ là người vùng cao cũng tường cưỡi ngựa, nên chúng tôi đã nhanh chóng biến thành một đội kỵ binh, chẳng kém gì đội kỵ binh của đế quốc Nguyên Mông năm xưa, ai nấy hớn hở cho mình là hùng dũng lắm. Đi từ 11h trưa, khi chúng tôi đến lỵ sở Mộc Châu, trời vẫn còn tối, mới 4h sáng hôm sau. Bác Sa Văn Minh ra tận nơi đón, như đón các vị cứu tinh. Bác cảm xúc nói, hoài niệm: thời cha của bác đã từng được ông nội cháu cứu, đến giờ, bác lại được cháu đến cứu. Vì đó là tình cảm lâu đời đã có giữa hai họ Đinh và họ Sa chúng ta. Công việc ở huyện này, ở vùng Tây Bắc này đang trông vào những người như cháu và Cách Mạng.
Nhà của bác Sa Văn Minh ở bản Vặt, cách huyện lỵ Mộc Châu và con đường đi Lào độ 2km gì đó. Khi bọn Nhật đến đây, chúng dùng huyện lỵ làm bản doanh của sư đoàn, ngay thị trấn châu lỵ, những nhà công sở trở thành những kho tàng của Nhật. Còn công đường của chính quyền, bác Sa Văn Minh đặt tại tư thất luôn. Tư thất của bác Minh cũng khá rộng, có đến hai chục phòng… Bọn thằng Đôi, thằng Quay nghe nói tôi đến, chúng cho rút quân ngay, không còn ở tư thế bao vây nữa. (…) Tôi bảo bác cho bảo hai thằng Đôi và Quay vào gặp, hai thằng ngoan ngoãn vào. Khi tới, tôi mời ngồi tử tế. Vì hai nhà thường đi lại, khi xưa, hai bên đã biết nhau, vì tôi và chúng cùng một lứa tuổi. Tôi hỏi: hai anh mang quân lại đây có mục đích gì. Họ nói là vào để đón chúng tôi, cùng hội quân rồi lên Tây Bắc cướp chính quyền. Tôi nói, tôi đồng ý như vậy, nhưng việc tổ chức quân cần phải quy củ chỉnh tề. Các anh có bao nhiêu quân, có bao nhiêu võ khí, các anh phải kê khai và ngay bây giờ cho quân vào trong sân này để tôi kiểm duyệt và sắp thành hãng ngũ. Khi súng gác lên giá, quân sỹ của chúng đã xếp hàng, tôi bảo: tôi biết mục đích hành động của các anh không chính đáng. Cha con chú cháu các anh trước đây theo đảng Đại Việt thân Nhật, các anh định chống lại chúng tôi và cách mạng, nể tỉnh láng giềng tôi đã viết thư khuyên nhủ, các anh không nghe. Bây giờ chủ các anh là Nhật đã đầu hàng, cách mạng đã thắng lợi. Nếu không nghĩ tình anh em xưa, thì theo theo chính quyền cách mạng xử lý. Nhưng tôi không xử lý, các anh nộp vũ khí rồi cho về làng, còn bao nhiêu vũ khí nộp nốt (….), nếu tái phạm sẽ không tha thứ. Số vũ khí thu được của bọn này, 4 khẩu tiểu liên, 28 khẩu súng trường Pháp, 4 khẩu súng trường Nhật, 2 khẩu súng ngắn, 28 quả lựu đạn, còn dao thì không thu.
Đinh Công Đốc – sự sửng sốt với viên sỹ quan người Nhật!
“…Khi gặp một tên người Nhật bị giải giáp. “Tôi và ông tôi (tức là ông Đinh Công Phủ, bố ông Đốc – Đ.D.H) ở đó. Hắn (tên người Nhật) biết tôi, đi theo hắn có một tên quan II và một tên thư ký, tên phiên dịch người Tàu. Hắn đến, thấy Đinh Công Nơi, chánh tổng; Đinh Công Ba, lý trưởng, các kỳ mục hào lý đến đông đủ. Khi hắn đến, theo phép lịch sự tôi ra đón, bố tôi cũng đứng dậy. Tôi giới thiệt, đây là ông Đinh Công Phủ. Hắn càng kinh ngạc, hắn tỏ vẻ khâm phục. Hắn đứng ngắm ông tôi và tôi, hắn hồi tưởng cái gì đó? Khi ngồi xuống uống nước, hắn nói: chính tôi chỉ huy trung đoàn này, cấp trên lệnh cho tôi phải vào phá chiến khu Sông Đà (căn cứ của Việt Minh, nơi bố con ông Đốc hoạt động – Đ.D.H). Tôi đến đây được đúng 1 tháng 19 hôm thì quân đội Nhật đầu hàng. Nếu chậm một tuần nữa, thì tôi với cha con ông sẽ là phải nói chuyện với nhau bằng những viên đạn và những mồi lửa. Ngày hôm nay tôi được gặp hai cha con ông, tôi thấy đó là một hạnh phúc của Việt Nam và của cha con ông và cả tôi nữa. Lúc chiến đấu, tất nhiên sẽ có những cái chết, mà không thích thú gì.
Hắn đưa cái ảnh do tên Hán gian Chu Chướng ở Chợ Bờ đã chụp tôi. Hắn nói: đấy, cái ảnh này, một người thanh niên trong ảnh đang làm cho quân đội Nhật đã phải điều hàng trung đoàn để đối phó. Tôi cũng như những nhà quân sự của quân đội chúng tôi ở vùng này, chưa đánh giá đúng được là con người thế nào. Tại sao lại dám đương đầu với một quân đội khét tiếng xưa nay. Cái ấn tượng ấy lồng trong lệnh tiến quân của cấp trên tôi. Tôi chậm lại vì chưa hiểu rõ, chiến khu ở đâu, chỉ thấy rừng và làng bản vắn vẻ và nghe đủ các cơ súng thô sơ nổ ra phía quân Nhật đang tiến lên. Khi quân đội Nhật dừng lại bố trí trận địa thì lại thấy vắng lặng. Tôi đã nghĩ, kỳ này tôi vào chiến khu Sông Đà, sẽ gặp cảnh như thế. (…) Vì thế mà tôi chậm lại (quá trình tiến quân – Đ.D.H), vì thế mà hôm nay được gặp và ăn cơm với bố con ông. Tôi muốn trao lại tấm ảnh này cho ông, nhưng tôi xin ông cho tôi giữ làm kỷ niệm. Để khi trở về nước Nhật, tôi sẽ nói với con cháu tôi là sang nước Việt Nam, người Việt Nam có những người trẻ trung, yêu nước, dũng cảm như các ông.
Hắn uống rượu hỉ hả, hắn bắt tay tôi chúc Việt Nam độc lập, hạnh phúc. Tôi ngỏ ý về súng đạn, hắn nói: súng của Nhật thì không được phép (đem cho các ông – Đ.D.H); nhưng có trong kho độ hơn chục khẩu súng của Pháp và súng Cacbin và một số đạn, ngày mai sẽ đẹp tặng quân cách mạng. Khi tôi ngỏ ý mượn hai chiếc xe ô tô để chuyền quân lên Mộc Châu, hắn bảo, xe thì có nhưng không có tài xế, bởi không thể cho tài xế của chúng tôi đi lái cho các ông được. Tôi bảo, chúng tôi có tài xế”.
Năm 21 tuổi, ông Đốc nói với một chiến binh Nhật, khi anh ta kêu ca rằng binh sỹ của anh ta đang sợ chết, chết ở cái nơi quá xa tổ quốc họ (Việt Nam): Các ông theo lệnh Nhật Hoàng, theo các nhà quân sự hiếu chiến của chủ nghĩa Phát xít xâm lược. Các ông không thích thú gì và sợ chết là phải. Còn chúng tôi có thể thấy chết mà vẫn nhảy vào vì chúng tôi là quân đội cách mạng Việt Nam chiến đấu và giải phóng cho Tổ quốc và cho gia đình làng xóm của mình. Chúng tôi rất tự hào và vui vẻ lao vào cuộc chiến để mưu hạnh phúc cho dân tộc. Cái chết của chúng tôi khác với cái chết của các ông vì các ông có phải đi chiến đấu cho đất nước, cho bà con, cha mẹ dân làng các ông đâu.
(còn 1 kỳ nữa)
Bí ẩn về viên sỹ quan Nhật đã kết nghĩa anh em, rồi chết thay ông Đốc?
Một cuộc đấu trí, cuộc đấu khẩu đã thể tài năng, khí phách của vị chỉ huy “quá trẻ” vốn là con nhà quan lang Đinh Công Đốc. Viên sỹ quan Nhật đầy bản lĩnh, cũng rất là nghĩa tình, ngay cả trong lúc nước sôi lửa bỏng của cuộc chiến, khi mà đoàn binh của người Nhật đang bị giải giáp ê chề. Hắn vô cùng ái mộ Đinh Công Đốc, hắn đã có ảnh ông và xin phép được lưu giữ làm kỷ niệm, hắn đã muốn chụp ảnh ông để mang về nước Nhật khoe với bà con của hắn, rằng “tướng Việt Minh” có một người trẻ mà nghĩa khí và tài năng như thế. Nghe ông Đốc và những người biết chuyện ở xứ Mường kể về những cuộc ông Đinh Công Đốc quả cảm, kiêu hùng gặp gỡ, thu phục nhân tâm các chiến binh Nhật hoàng rồi khiến họ phải nghiêng mình kính nể, chúng ta càng mới lý giải được: là vì sao có một người tên là I Si đã kết nghĩa anh em với Đinh Công Đốc, đã cải tên họ thành Đinh Công Minh, dù hơn tuổi ông Đốc cũng vẫn xin làm vai “em”; và rồi, người anh em “Kết nghĩa vườn đào” ấy đã quên thân mình để cứu ông Đốc giữa làn đạn bất toàn thây của kẻ thù (chuyện sẽ được kể chi tiết ở phần sau).
Sự “sùng bái” của viên quan Năm người Nhật với “ông Tướng trẻ” Việt Minh
Sau khi cử ông Sa Văn Minh làm chủ tịch lâm thời huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tưởng được nghỉ ngơi vài giờ trước khi cất bước phong sương, chợt chỉ huy Đinh Công Đốc nhận được thư. Chiều ấy có một đoàn kỵ binh Nhật từ con đường Lào về, qua bản Vặt, có mấy người dừng lại vào gặp bác Sa Văn Minh. Tên người Nhật độ trạc 40 tuổi, người vừa phải tầm thước, đeo lon quan 5 Nhật, người đi theo cũng trẻ mặc binh phục Nhật làm thông ngôn (phiên dịch) cho hắn ta, tay thông ngôn chắc là người Việt.
Sau khi trao đổi với ông Sa Văn Minh xong, ông Minh đến Đinh Công Đốc: hắn ta muốn gặp ai là “Tướng Việt Minh” ở đây. Lúc đó, anh Tình, anh Ty (cán bộ Việt Minh) bảo ông Đốc ra tiếp. Khi gặp, tên người Nhật bảo ông Sa Văn Minh là cho phép hắn và “tướng trẻ” (cách gọi của viên sỹ quan Nhật) Đinh Công Đốc nói chuyện ở phòng riêng.
Ông Đốc kể trong hồi ký, như sau: Khi vào câu chuyện, hắn hỏi, thưa ông, chính ông là”người cầm đầu Việt Minh ở đây” phải không? Trên ông có còn ai ở đây không? Đinh Công Đốc nói đanh thép: tôi là người chỉ huy cách mạng đi cướp chính quyền ở vùng này, nên tôi đã cho phép ông gặp tôi như nguyện vọng của ông. Còn ông, ông muốn hỏi việc gì nữa thì ông cứ nói, xin ông chớ vòng vo “đánh giá”. Câu nói của ông Đốc đã làm cho viên sỹ quan Nhật giật mình và bắt đầu thận trọng hơn. Hắn ta nói: Xin lỗi ông, tôi thấy ông còn trẻ quá nên tôi mới hỏi như vậy. Năm nay ông bao nhiêu tuổi, xin ông cho tôi được hân hạnh biết tên ông. Lúc ấy ông Đinh Công Đốc tự cật vất mình, nghĩ: câu hỏi này hơi hóc búa, nếu mình nói tên thật thì có an toàn cho mình và cho hoạt động sau này không? Nhưng, nếu mình không nói tên thật ra, ngộ nhỡ bác Sa Văn Minh đã nói ra với hắn về mình rồi, hắn đã biết tên tuổi mình rồi thì…thành ra mình là kẻ nói dối, là đồ hèn! Ông Đốc bèn dõng dạc: Tôi là Đinh Công Đốc, 21 tuổi. Hắn tiếp: Xin lỗi ông, có phải ông là người trong ảnh đang luyện quân ở chiến khu, mà chính người bạn cấp dưới của tôi đang đóng quân ở Suối Rút đã cho tôi xem, hôm nay tôi thấy ngờ ngợ nên tôi mới mạn phép hỏi ông kỹ càng như vậy (vừa nói, viên sỹ quan vừa chìa tấm ảnh ra, khiến ông Đốc giật mình, hóa ra Việt gian vẫn theo dõi và gửi ảnh, thông tin về ông Đốc cho chỉ huy quân đội Nhật!). Tôi cũng xin tự giới thiệu, tôi là quan Năm chỉ huy sư làm đường Xiêng Khoảng (một tỉnh Bắc Lào, giáp với Mộc Châu của Sơn La – Đ.D.H), bản doanh của tôi ở Mộc Châu. Tôi được lệnh đầu hàng của quân đội Nhật, tôi vừa đi Sầm Nưa (Lào) về để rút dần quân về đây và chuyển về xuôi.
Viên quan năm Nhật quay sang hỏi ông Đốc về cái cách ông Đốc và những người Việt Nam nhìn nhận quân đội Nhật đang có mặt trên đất Việt Nam: Ông Đốc nói: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật không có gì ác cảm với nhau. Họ đều là những người lương thiện. Còn quân đội Nhật trước đây là quân đội phát xít đi xâm lược. Dân tộc Việt Nam đứng về phe đồng minh chống phát xít thì quân đội Nhật lúc ấy là kẻ thù. Nhưng nay quân đội Nhật đã hàng, hạ súng từ bỏ xâm lược không còn can thiệp vào công việc của cách mạng và nhân dân Việt Nam thì không coi là kẻ thù nữa mà coi là những con em nhân dân Nhật.
Hắn hỏi tiếp: Việt minh và Mặt trận Đồng minh là gì; ông Đốc đối đáp rành rọt: “Mặt trận Việt Minh là mặt trận thống nhất toàn thế dân tộc Việt Nam đứng trong mặt trận Đồng minh của thế giới đã công bố ở Hiến chương Liên hiệp quốc và đã được công nhận. Mặt trận Việt Minh là một bộ phận khung trong toàn thế giới chống phát xít trước đây”. Nghe đến đây, viên sỹ quan tỏ ra cảm kích vô cùng, hắn nói:
“Tôi muốn chuyển hết quân đội của tôi về xuôi. Chúng tôi bàn giao toàn bộ kho tàng của chúng tôi ở Mộc Châu này cho các ông, khi quân đội Đồng Minh vào đây, các ông trao lại cho họ có được không?”.
Ông Đốc nhận lời, viên sỹ quan vẫn xúc động, đề nghị một việc “tày trời”: “Như tôi chẳng hạn, nếu tôi muốn ở lại cùng các ông, tham gia (mặt trận Việt Minh với các ông – Đ.D.H) có được không?”. “Việc này tôi không dám quả quyết, vì nó thuộc phạm vi quốc tịch và quốc gia, nếu ông mà muốn ở lại, tôi nghĩ ai cũng hoan nghênh, nếu thực tâm, ông đi xuống phía dưới (về xuôi) gặp cấp trên của chúng tôi, ông sẽ được tạo điều kiện. Còn tôi, tôi không dám nhận”. Thế rồi, viên sỹ quan Nhật rút trong túi ra một mảnh bản đồ quân sự, hắn chỉ vào đó và nói: Đây là khu vực cách Sầm Nưa (Lào – Đ.D.H) độ 10km. Nơi này, còn độ 200 tàn quân của Pháp đang đóng ở đó được tàu bay Mỹ cung cấp võ khí và vật dụng chiến tranh. Nếu quân đội Nhật không hàng, tôi đã cho quân vào truy quét. Nhưng chúng tôi đã hết trách nhiệm ở đó. Tôi báo cho ông biết để ông hiểu và đối phó. Khi đó, ông Đinh Công Đốc cũng lấy bản đồ từ trong cặp tài liệu của ông ra, là bản đồ quân sự lấy được của tàn quân Pháp vừa rồi. Rất tỷ mỷ. Tên quan Năm Nhật trông thấy, có vẻ đăm chiêu: khi dứt lời ra về, hắn dặn: ngày mai ông lên gặp tôi để lập danh sách kho tàng và làm thủ tục bàn giao.
… “Khi tôi lên, hắn tỏ vẻ hài lòng, ra cửa đón. Hắn nói: tôi cứ chờ ông mãi, tưởng ông không lên, ông lên hơi muộn, việc bàn giao kho tàng để ngày mai, ông cùng tôi ăn bữa cơm Nhật. Tuy không đủ vị như bữa cơm Nhật thật sự, nhưng cũng gọi là để ông hiểu người Nhật sinh hoạt như thế nào. (…) Hắn nghe được tiếng Việt, nhưng chưa nói được. Hắn cởi mở, hắn nói: Tôi ở nhà bên Nhật đã có 2 người con, mà tôi đến đây là chốt cuối cùng xa nhà, xa đất nước Nhật là đã 4 năm nay. Đã ở Singapore, Mã Lai, vào Thái Lan, về Nam Kỳ, ra đây đã 5 tháng, bây giờ chấm dứt cái bước phiêu liêu, mai mốt gần đây sẽ về nước Nhật. Rồi sẽ từ giã cái nghề quân sự, cái nghề rong ruổi chóng già hay sẽ bị tàn phá thế này, nếu không chết. Lúc chia tay, hắn (tên người Nhật – Đ.D.H) tặng tôi một con ngựa rất đẹp. Hắn đi rồi, tôi vẫn ghì cương ngựa nhìn theo. Đi được 200m, hắn lại quay ngựa lại nói với tôi vài câu rất tình nghĩa bằng tiếng Việt lơ lớ mới học được”.
Chuyện “thế mạng” khó tin về một người Nhật mang họ Mường
Cô giáo Đinh Lâm Oanh rưng rưng xúc động mỗi lúc nhắc đến cái tên “bác I Si”. Ông I Si sinh năm 1923, hơn bố cô giáo Oanh (ông Đốc) 2 tuổi, khi Kết nghĩa Vườn Đào với người chiến binh vốn đứng ở bên kia chiến tuyến với mình, quá cảm kích trước một nhân cách Mường “văn võ song toàn”, I Si cứ nằng nặc nhận là vai em của Đinh Công Đốc. I Si xin phép gia tiên nhà ông Đốc, xin đặt tên “Mường” là Đinh Công Minh.
Cô giáo Oanh kể: “Khi còn sống, cha tôi thường nhắc tới người lính Nhật ấy với tất cả lòng yêu mến và cảm phục. Con người sớm biết phản chiến ấy đi theo cha tôi suốt mùa chiến dịch”. Ông Đốc dặn lại con cháu: Thời cuộc khó khăn, bố đã không ít lần cố gắng viết thư nhờ người tìm gia đình I-si để báo tin mà không thể làm được, sau này kể cả khi bố mất rồi, có điều kiện, các con cố gắng tìm lại gia đình chú ấy. Đó là người thân như ruột thịt của gia đình mình, chú ấy đã nhiều lần cứu bố thoát khỏi cái chết. Chú ấy cũng kể, ở bên nước Nhật, gia đình chú ấy là gia đình cách mạng có tới 5 Đảng viên cộng sản.
Cô giáo – nhà văn Lê Mai Thao, một đồng nghiệp thân thiết “bánh đa bánh đúc” của chị Oanh, con gái ông Đinh Công Đốc, người đầu tiên không phải trong gia đình ông Đốc được đọc cuốn hồi ký sắp nát mủn kia, người đã nhiều lần gặp ông Đốc trước khi ông chết, đã xúc cảm viết cho chúng tôi những dòng như tôn kính thế này: “Bằng uy tín và nhân cách của mình, không những ông Đinh Công Đốc đã đoàn kết được nhân dân các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Dao… ở nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc thành một khối đầy sức mạnh, mà ông còn cảm hóa được người lính Nhật tên là I-Si, một thanh niên trí thức đã tốt nghiệp đại học, quê ở tỉnh Ho ki ha ma. Ông I Si đã mang theo cả một trung đội lính Nhật về với Việt Minh dốc lòng cùng ông Đốc chống Thực dân Pháp. Khi ông Đốc hỏi tại sao lại bỏ theo Việt Minh?; I Si cho biết, người Việt Nam cũng là máu đỏ da vàng như người Nhật, I Si thấy rằng, cuộc kháng Pháp của người Việt Nam là chính nghĩa, anh thấy mình phải có trách nhiệm cùng những người Việt Nam quả cảm chống lại bè lũ thực dân. Kính trọng tài năng và đức độ của người chiến binh trẻ tuổi Đinh Công Đốc, một con người là dòng dõi quan lang nức tiếng đã dám bỏ phù hoa để sẵn sàng “da ngựa bọc thây”, ăn rừng ngủ thác, thoắt ẩn thoắt hiện giữa bời bời bom đạn giặc, để giải phóng quê hương, I Si đã tình nguyện đi theo, cùng ăn, cùng ở và rất gắn bó với ông Đinh Công Đốc. Ông I Si hy sinh thân mình, cũng là vì ông Đốc và khát vọng giải phóng quê hương của Việt Nam khỏi ách thực dân”.
Bà Điệp, con gái ông Đinh Công Đốc, một nhà giáo nghỉ hưu, hiện sống ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cũng nhớ nguyên văn những lời tâm sự của bố mình trước khi tạ thế: I Si là một người lính thiện chiến, nghĩa tình. Ông ấy đã cứu Đinh Công Đốc khỏi nhiều cái chết trong gang tấc. Và, cái lần định mệnh kia cũng cũng vậy, khi đi ra đường Suối Rút, có Việt gian chỉ điểm, rằng: Đinh Công Đốc sẽ cưỡi ngựa trắng đi tiên phong, cần phải phục kích và hạ sát bằng mọi giá. Giặc Pháp đã bố trí mai phục cả thiên la địa võng súng đạn. Người lính Nhật I Si, dường như có linh tính báo trước chuyện chẳng lành, đã tình nguyện xin đổi ngựa cho ông Đốc. I Si bèn cưỡi con ngựa màu trắng của ông Đốc, I Si trao ngựa đỏ cho người anh kết nghĩa, ông bảo: tình thế ngàn cân treo sợi tóc, giặc Pháp và tay sai đang ráo riết tìm cách ám sát “anh Đốc”, ta cứ đổi ngựa cho an toàn. Quả nhiên, tại Suối Rút hoang vu, từ trong vách núi rậm rạp, đạn súng máy bắn ra như vãi chấu. Tất cả đều nhằm vào cái dáng người uy dũng cưỡi con ngựa trắng, “tiêu điểm” mà kẻ thù nghĩ đó chính là con người bách chiến bách thắng Đinh Công Đốc! I-si Đinh Công Minh đã bị những tràng súng máy của Pháp bắn chết. “Cứ mỗi khi kể về người lính ấy cha tôi lại rơm rớm nước mắt nói rằng chú ấy chết mà không còn gì nguyên vẹn thi hài. Đạn giặc đã làm cho tan nát… Bố đã đi nhặt những mảnh thịt xương nát vụn dọc bờ suối và mang chú ấy chôn ở khu vực Dốc Sung” – bà Điệp ngậm ngùi kể. Rồi bà mâm mê những tấm ảnh đã cũ ố, ảnh I Si ở quê nhà bên nước Nhật, rất là sum vầy. Bà Điệp cũng khóc.
Bây giờ, nước lòng hồ của Công trình thế kỷ đã choán chôn hết tất cả. Dưới hàng trăm mét nước sâu kia là phần di cốt của I Si, có lẽ, vĩnh viễn không có ai trên trần thế còn nhìn thấy phần mộ, xương cốt của I Si nữa. Ông đã trở thành một phần máu thịt, một phần tình nghĩa của xứ sở Việt Nam này. Câu chuyện hy hữu, khó tin về sự “thế mạng hy sinh” của chiến binh người Nhật – I Si – Đinh Công Minh đã được các nhân vật còn sống của chúng ta kể lại như vậy. Họ kể, có lẽ chỉ bởi vì đó là sự thật, chứ không vì một điều gì khác cả. Tôi vẫn hằng hy vọng rằng, bằng những tấm ảnh tương đối phong phú, sinh động đã sưu tầm được, qua báo chí và các con đường có thể có khác nhau, chúng ta sẽ tìm được gia đình I Si Đinh Công Minh chăng? Có ảnh, có tên tuổi, có tên của thành phố quê hương ông, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Để chúng ta hiểu hơn về một người anh hùng lặng lẽ, một người hiến thân cho lý tưởng và tình bác ái. Dường như, biểu tượng của tình gắn bó “máu đỏ da vàng” giữa hai dân tộc Vietj – Nhật đã được thắp lên từ cái ngày quân đội Nhật Hoàng còn làm mưa làm gió trên đất Việt Nam gây nên bao nhiêu thảm họa (như nạn chết đói hơn 2 triệu người năm Ất Dậu, 1945), từ khi quân Đồng minh mới chỉ có… ý định đến Việt Nam giải giáp quân đội Nhật – ngọn lửa ấy được thắp thông qua việc sẵn sàng vong thân vì nghĩa cả của I Si !? Tôi luôn muốn tin là như vậy.
Box:
Những tấm ảnh có thể sẽ là chìa khóa đi tìm chân dung người mà gia đình ông Đinh Công Đốc vẫn gọi tên thân mật là I Si.
Ảnh 1 (xem ảnh) do cô giáo Đinh Lâm Oanh tìm thấy, đã rất mờ cũ, mặt sau tấm ảnh có ghi chi chít chữ Nhật, chúng tôi đã nhờ đích danh một doanh nhân người Nhật đang sống ở Hà Nội dịch kỹ càng. Chữ rất mờ, 3 trong số 9 cái tên sau đây có thể có một số ít ký tự được dịch chưa chuẩn, đó là tên của 9 người có mặt trong tấm ảnh chụp 10 người (có thể I Si đã bỏ qua việc ghi tên mình, vì đó là tấm ảnh do I Si lưu giữ?). Chín người đó gồm:
Matsuihiroshi
Nakaiyasuji
Shimazakihideo
Murakamiyosiji
Yamadayoshie
Kanoukazuo
Sakatatokumori
Nishidamishio
Todatakatake
Vậy là mọi chuyện đã sáng tỏ hơn, chúng ta có tới 10 gương mặt và 10 cái tên để đi tìm tung tích (gia đình, dòng họ, quê hương) của I Si bên nước Nhật. Ở tấm ảnh 2 (xem ảnh) thì có bút tích ghi rõ tên thành phố Hô Kê Ha Ma, có thể là nơi I Si đã sinh ra và lớn lên, người trong ảnh là chính ông thuở nhỏ và nhữngngười thân của ông).
Đặc biệt, bên cạnh các cái tên đó, người “chú thích ảnh” còn tình cờ viết một câu cảm thán (có lẽ do I Si viết), nhiều chữ không còn đọc được nữa, nhưng những gì còn dịch được thì cho nội dung như sau: “Cứ nhớ đến là cảm thấy buồn, những người bạn thân thieets từ thuở hàn vi (hoặc trực dịch là từ thời kỳ nông thôn)”.
Tôi (người viết bài này) đã chọn cách không dùng nhiều lời lẽ của mình nữa, chỉ thuyết minh (có lẽ cũng là hơi thừa) vài dòng, rồi trích nguyên nhiều đoạn tự sự do ông Đốc viết rất khúc chiết trước khi về trời để hầu độc giả. Trí dũng song toàn, một nhân cách Mường vằng vặc, một tráng binh đã dốc lòng dụng mưu đánh giặc, góp phần “báo quốc an dân”. Ông Đốc khí khái, quật cường, dũng mãnh, táo bạo nhưng cùng đầy xúc cảm kiểu“lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” trên các bước đường trận mạc. Ông Đinh Công Đốc, từ chỗ là con của một vị quan lang bị “kỳ thị” khi đi vướng núi khi về vướng sông, với những chiến công của mình, đã là một phần của lịch sử xứ Mường trong giai đoạn chẳng thể nào quên đó, nhưng chính ông cũng lại là người chép sử rất thú vị, tỉ mỷ, ngộ nghĩnh, trữ tình.
Thú thực, những gì đã được nghe, đã đọc, đã viết về nhiều vị quan lang, dòng dõi quan lang xứ Mường đã khiến tôi (người viết loạt bài này) cảm thấy hơi bất ngờ. Đâu đó, ở những thời điểm nào đó, chúng ta vẫn ít nhiều mặc cảm, dằn hắt với những ám ảnh về sự tàn ác, độc địa của “nhà lang” trong thời buổi nhiễu nhương ngày cũ? Có lẽ vì thế và vì một vài lý do nữa, mà những câu chuyện kể trên vẫn còn ít người biết đến chăng? Nếu phỏng đoán trên của tôi là đúng, thì dường như chúng ta đã có lỗi với lịch sử, với những nhân cách Mường vạm vỡ như Đinh Công Huy, Đinh Công Niết, Đinh Công Đốc, Đinh Công Phủ, đặc biệt là với I Si quả cảm…